Chiều ngày 01/9/2011, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến xây dựng Đề án Quản lý giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) giai đoạn 2011 - 2020. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo một số sở, ban, ngành; lãnh đạo các huyện, thành phố; lãnh đạo phòng NN&PTNT các huyện, thành phố…
Các đại biểu tham dự hội nghị
Tại hội nghị, đồng chí Lê Văn Tân, Chi Cục trưởng Chi Cục Thú y đã báo cáo tóm tắt Đề án Quản lý giết mổ GSGC giai đoạn 2011 - 2020. Hiện nay toàn tỉnh có tổng số 859 hộ giết mổ GSGC trong đó giết mổ trâu, bò có 22 hộ chiếm 2,5%; giết mổ lợn 585 hộ chiếm 68,1%; giết mổ gia cầm 252 hộ chiếm 29,4%. Việc giết mổ hoàn toàn mang tính chất tự phát, diễn ra ở các xã, phường, thị trấn trong các khu dân cư phục vụ chủ yếu cho nhu cầu tiêu dùng thực phẩm ở địa phương. Đề án đã đưa ra một số giải pháp nhằm quản lý, kiểm soát giết mổ GSGC như rà soát, đánh giá phân loại các cơ sở giết mổ trên địa bàn toàn tỉnh; xây dựng quy hoạch địa điểm giết mổ GSGC tập trung có quy mô thích hợp cho từng khu vực theo từng giai đoạn. Giai đoạn 2011 - 2015, giai đoạn này sẽ cùng tồn tại song song cả hai hình thức giết mổ nhỏ lẻ và cơ sở giết mổ tập trung; giai đoạn 2016 - 2020 triển khai các khu giết mổ tập trung theo quy hoạch, xoá bỏ hoàn toàn các điểm giết mổ GSGC nhỏ lẻ vào năm 2020. Dự kiến đến năm 2020 toàn tỉnh có 01 cơ sở giết mổ công suất 500 con gia súc; 02 cơ sở giết mổ công suất 300 - 500 con gia súc; 15 cơ sở giết mổ công suất 100 - 300 con gia súc; 66 cơ sở giết mổ công suất 15 - 100 con gia súc và 50 con gia cầm; 01 cơ sở giết mổ công suất 50 gia súc và 100 - 500 con gia cầm; 01 chợ đầu mối buôn bán gia cầm và gia súc.
Tại hội nghị các đại biểu đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến nhằm nâng cao hiệu quả và tính khả thi của đề án như: Phân loại điểm giết mổ, cơ sở nào đủ điều kiện giết mổ mới cho tiếp tục hoạt động, những điểm nào không đủ điều kiện kiên quyết cho dừng hoạt động; trước khi thực hiện cần phải học tập kinh nghiệm một số tỉnh bạn có điều kiện giống với tỉnh ta nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện; cần phải đưa hệ thống quản lý giết mổ GSGC theo tiêu chuẩn rõ ràng nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và dễ ràng truy nguồn gốc của thực phẩm...
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu Chi Cục Thú y phối hợp cùng với ban tham mưu tiếp thu đầy đủ các ý kiến mà các đại biểu đã đóng góp để hoàn chỉnh lại bản dự thảo Đề án Quản lý giết mổ GSGC giai đoạn 2011-2020.
Theo Tuấn Linh (Cổng TTĐT Hà Nam)
Các tin mới hơn:
Các tin đã đưa: