Khác với nhiệm kỳ trước, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Hà Nam lần này được biên soạn thành các chuyên đề và chủ yếu là nêu giải pháp thực hiện, để tổ chức cho toàn thể cán bộ, đảng viên học tập. Tỉnh ủy chọn sáu chương trình trọng tâm có tính đột phá, thay vì mười chương trình, 14 đề án của khóa trước. Ðó là cách làm mới của Ðảng bộ Hà Nam trong việc triển khai thực hiện nghị quyết của các cấp ủy Ðảng và bước đầu đã mang lại hiệu quả.
Gắn học tập với bàn giải pháp thực hiện
Lần đầu, hơn 42 nghìn đảng viên tỉnh Hà Nam được học Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng do các giảng viên ở T.Ư, là những người tham gia soạn thảo các Văn kiện Ðại hội XI, giới thiệu và phát trực tiếp trên sóng Ðài Phát thanh-Truyền hình tỉnh. Sau đó, các tổ chức đảng thảo luận, bổ sung chương trình hành động thực hiện nghị quyết của cấp mình. Với Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 18, các ban Ðảng, cơ quan chuyên môn của tỉnh biên soạn thành tám chuyên đề, làm tài liệu học tập. Ðược học tập theo chuyên đề, đảng viên nắm sâu hơn chủ trương mới mà Ðại hội đã thông qua và dành nhiều thời gian bàn biện pháp thực hiện chương trình đối với từng lĩnh vực.
Công ty may tre đan Ngọc Động, xã Hoàng Đông,huyện Duy Tiên (Hà Nam) tạo việc làm cho nhiều lao động nữ của địa phương.Ảnh : Thế Tuân |
Trò chuyện với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Bình Lục Lã Quốc Toản cho rằng: Hầu hết đảng viên đồng tình với cách làm mới này. Các giảng viên ở T.Ư trực tiếp truyền đạt những quan điểm lớn, nội dung cơ bản, điểm mới trong các Văn kiện Ðại hội XI của Ðảng là những điểm mà đảng viên thấy hấp dẫn nhất. Khi học tập Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh gắn với thông qua chương trình hành động, các cấp ủy cơ sở và cán bộ, đảng viên thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong triển khai tổ chức thực hiện, không học một cách thụ động. Ðơn cử như xây dựng cánh đồng vụ đông, khi quán triệt đến cơ sở, tất cả 251 thôn đều đồng tình việc nhân rộng mô hình này với 300 ha, nhất là ở các xã Hưng Công, Bồ Ðề, An Ninh, Bình Nghĩa và Hưng Xá. Mỗi cánh đồng vụ đông có ít nhất ba ha, huyện trợ giúp hai triệu đồng cho một ha, với tổng số tiền hàng tỷ đồng. Dưa chuột, ngô ngọt, đậu tương, các loại rau xanh là những sản phẩm chủ yếu trên cánh đồng này đã được doanh nghiệp Minh Hiền đăng ký bao tiêu và chế biến xuất khẩu.
Tìm hiểu ở các đảng bộ xã: Bồ Ðề (huyện Bình Lục), Nhân Nghĩa (huyện Lý Nhân) và Thanh Hà (huyện Thanh Liêm), được biết, việc học tập nghị quyết tùy đối tượng mà bố trí thời gian và phạm vi nội dung để mở lớp. Chuyên đề phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới được triển khai học tập khá kỹ đến tất cả cán bộ thôn, xóm. Ở những xã chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, đảng viên còn liên hệ, đánh giá thực trạng, xác định số tiêu chí đã hoàn thành trong tổng số 19 tiêu chí theo quy định của Trung ương và những tiêu chí phải thực hiện trong thời gian tới. Do việc học tập nghị quyết được triển khai sâu rộng, nên không chỉ cán bộ, đảng viên mà nhân dân cũng biết rõ chủ trương mới của tỉnh, như không xây dựng thêm nhà máy sản xuất xi-măng, mà tập trung đầu tư công nghệ, nâng cao công suất, bảo đảm môi trường sinh thái; các khu công nghiệp chủ yếu quy hoạch tại hai huyện Duy Tiên và Thanh Liêm, các huyện khác tập trung cho phát triển nông nghiệp nhằm bảo đảm an ninh lương thực.
Bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong từng đề án
Sau Ðại hội Ðảng bộ, Tỉnh ủy Hà Nam đã ban hành bốn nghị quyết chuyên đề, sáu chỉ thị, nhiều đề án và đang hoàn thiện hai nghị quyết về phát triển đô thị và hạ tầng giao thông đường bộ. Yêu cầu hàng đầu với mỗi nghị quyết, chỉ thị là bảo đảm tính khả thi, hiệu quả. Theo đồng chí Trịnh Văn Thực, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, để có một nghị quyết, hoặc chỉ thị, phải tiến hành công phu nhiều bước. Từ thực tế, toàn tỉnh có hơn hai nghìn doanh nghiệp nhưng trong đó chỉ có 75 tổ chức cơ sở đảng, Tỉnh ủy ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, củng cố, nâng cao chất lượng và phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Ðể có chỉ thị này, trên cơ sở khảo sát thực trạng tại địa phương và học tập kinh nghiệm của một số nơi khác, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã xây dựng đề án, trình Ban Thường vụ cho ý kiến, bổ sung nhiều lần, rồi mới dự thảo chỉ thị đưa ra Hội nghị Ban Chấp hành thảo luận, thông qua.
Ở huyện Thanh Liêm, 18 chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của huyện đã triển khai đến khắp các xã. Từ một huyện thuần nông, giờ đây, tỷ trọng sản xuất nông nghiệp của Thanh Liêm còn 18% và huyện đang phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ này con số đó giảm xuống 12%. Nhưng một vấn đề đặt ra là do xây dựng các khu, cụm công nghiệp, đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp dần. Ðiều ấy cũng đồng nghĩa với số lao động dôi dư ngày càng tăng và đó là một áp lực không nhỏ đối với địa phương. Vì thế, các đề án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề và đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm được Huyện ủy thực hiện quyết liệt. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trần Văn Ðảm nói nhiều về lộ trình của hai đề án này: Mỗi năm đào tạo nghề tiểu thủ công nghiệp từ 400 đến 600 lao động; xây dựng một làng tiểu thủ công nghiệp. Giai đoạn 2013 - 2015, đào tạo nghề cho gần 19 nghìn lao động nông thôn và 80% trong đó có việc làm ổn định.
Chúng tôi về Thanh Hà, một xã khá của huyện Thanh Liêm nhờ phát triển tiểu thủ công nghiệp. Xã hiện có 450 ha canh tác, nhưng năm nay sẽ dành 100 ha cho khu công nghiệp Thanh Liêm I; đến năm 2013, xã chỉ còn 100 ha đất sản xuất nông nghiệp vì phải chuyển giao 250 ha nữa cho các dự án phát triển công nghiệp và giao thông đường bộ. Xã có bảy thôn thì hai thôn làm nghề thêu ren truyền thống; 80% số hộ có nghề. Theo Bí thư Ðảng ủy xã Nguyễn Văn Quý, điều lo ngại nhất là ô nhiễm môi trường nguồn nước. Do đó, xã đang xúc tiến xây dựng khu công nghiệp tập trung. Nhưng nhiều hộ đã xây nhà xưởng ngay trong làng sẽ di dời ra sao? Ðó là điều không ít người băn khoăn. Trông cơ ngơi như một khách sạn ba tầng, không nghĩ đây là nơi sản xuất của chủ doanh nghiệp thêu ren Nguyễn Thế Vũ ở thôn Hòa Ngãi. Anh tâm sự: Quả thực sẽ gặp nhiều khó khăn nếu như vào sản xuất tập trung trong khu công nghiệp, nhưng để bảo đảm môi trường sinh thái, gia đình anh cũng như các doanh nghiệp luôn sẵn sàng chấp hành.
Thời gian triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp chưa nhiều. Nhưng ở Hà Nam, không ít chương trình, đề án đang được hiện thực hóa khá rõ bởi những cách làm sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết của các cấp ủy Ðảng.
Theo Bắc Văn (Báo Nhân dân online)
Các tin mới hơn:
Các tin đã đưa: