Năm học mới 2011- 2012, sẽ là năm học đầu tiên ngành GD-ĐT tập trung đề xuất chủ trương kế hoạch và giải pháp để xây dựng chương trình hành động hướng tới việc đổi mới căn bản, toàn diện theo nhu cầu phát triển của xã hội.
Dưới đây là một số ý kiến từ cơ sở trước thềm năm học mới về vấn đề giảm tải mà phóng viên đã ghi lại.
Ông Vũ Văn Trà: Phó GĐ Sở GDĐT Hải Phòng:
Giảm tải là cần thiết từ bậc tiểu học, THCS và THPT. Không nên quá tham lam trong việc đưa các kiến thức vào chương trình SGK. Học tập là một quá trình nên việc tiếp nhận kiến thức vì thế cũng từ ít cho tới nhiều nên nội dung dạy học cần phù hợp với khả năng tiếp nhận của HS từng độ tuổi. Bên cạnh đó, xã hội hiện đại, có nhiều kênh để HS tiếp thu kiến thức nên ngành GD cũng phải tận dụng kênh từ xã hội, các hoạt động ngoài trời để cung cấp và vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho HS.
Hàng năm, Sở GDĐT cũng chỉ đạo các đơn vị dạy học dựa theo chuẩn kiến thức kỹ năng để không gây quá tải cho việc dạy của thầy và việc học của trò. Tuy nhiên, việc điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng giảm tải mà Bộ chủ trương triển khai từ năm học 2011-2012 là rất cần thiết, tạo điều kiện cho các trường, các GV có đủ điều kiện để chủ động dạy học sát với từng nhóm đối tượng HS. Với HS có khả năng tiếp thu bình thường thì mục tiêu chính là cung cấp các kiến thức, kỹ năng chuẩn. Với HS khá một chút có thể truyền tải cho các em những kiến thức sâu hơn so với chuẩn và HS giỏi thì giao cho các em bài tập nâng cao, một mặt giúp các em phát huy hết khả năng của mình, mặt khác cũng là dịp để phát hiện và bồi dưỡng HS giỏi cho trường, quận huyện và thành phố.
Chúng tôi được biết Bộ đã căn cứ kết quả các đợt rà soát, đánh giá định kì về chương trình , sách giáo khoa; tiếp thu ý kiến góp ý của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà giáo, các tổ chức xã hội, các cá nhân trên các phương tiện thông tin và đề xuất của các địa phương, trong đó có chúng tôi, để rà soát nội dung dạy học ở các trường phổ thông. Dự thảo hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học các môn học theo hướng giảm tải hiện đã đưa lên website của Bộ để xin ý kiến rộng rãi. Tôi cho rằng đây là việc làm cần thiết, khoa học và thận trọng. Chúng tôi đang nghiên cứu kỹ bản dự thảo hướng dẫn này và sẽ gửi ý kiến ngay về Bộ nếu thấy có vấn đề cần góp ý.
Ảnh minh họa (Nguồn: internet)
Ông Đỗ Văn Thuấn- Giám đốc Sở GD- ĐT Quảng Ninh
Theo tôi thì việc giảm tải nội dung dạy học ở trường phổ thông để nâng cao chất lượng dạy học là rất cần thiết, đặc biệt trên một số khía cạnh. Đối với những nội dung học nào chưa thiết thực ở các cấp nên lược bỏ và nên thay vào đó GD kỹ năng sống, GD đạo đức, GD các kỹ năng thiết thực nhiều hơn trong nhà trường. Việc giảm tải có nhiều giải pháp, nhưng việc giảm tải về nội dung dạy học là rất quan trọng. Giảm tải để những nội dung hình thức vừa mang tính thiết thực vừa phù hợp hơn cho HS, đồng thời để tăng thời gian thực học đối với hoc sinh .
Hiện nay, ở nhiều địa phương, cơ sở giáo dục có điều kiện đã thực hiện việc dạy học 2 buổi/ ngày. Bên cạnh việc hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học này thì sắp tới Bộ nên có hướng dẫn kỹ hơn về nội dung dạy học và các hoạt động giáo dục để việc dạy học ở buổi học thứ 2 có hiệu quả; tránh tình trạng buổi học thức 2 là buổi học nặng nề về ôn tập kiến thức của những môn cơ bản.
Ông Trần Trung Dũng- Phó GĐ Sở GDĐT Hà Tĩnh
Vấn đề giảm tải liên quan đến chương trình, sách giáo khoa, liên quan đến thi cử, liên quan đến biên chế năm học đã được bộ GDĐT phê duyệt, vì vậy đây là vấn đề cần nghiên cứu và triển khai một cách khoa học.
Trong khi thực hiện chương trình, về phía Sở GDĐT Hà Tĩnh đã chỉ đạo các phòng, ban (Phòng GD trung học, GD Tiểu học, Phòng GDTX) thường xuyên thu thập ý kiến từ cơ sở về chương trình, SGK, tập hợp và báo cáo về Bộ GDĐT.
Vấn đề góp ý cho chương trình, SGK không phải là vấn đề xa lạ với GV. Bởi các cơ sở GD, GV trong thời gian thực hiện đổi mới chương trình, SGK thường xuyên được góp ý, đề xuất ý kiến của mình. Những ý kiến được chúng tôi tập hợp, Bộ đã xem xét và không ít ý kiến được tiếp thu, chỉnh sửa.
Để chuẩn bị cho năm học mới 2011-2012, các ngành học đã chủ động bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho CB và GV. Trong thời gian bồi dưỡng, chúng tôi đã thăm dò ý kiến GV về chủ trương giảm tải chương trình, sách giáo khoa và nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ quản lý, giáo viên. Về những vấn đề cụ thể, chúng tôi sẽ tập hợp và sớm có văn bản góp ý với dự thảo hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học do Bộ xây dựng.
Ông Nguyễn Đức Hải- Hiệu trưởng trường THPT Cầu Giấy- Hà Nội
Tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương giảm tải của Bộ GDĐT. Vấn đề là chúng ta giảm tải cái gì, giảm tải ra sao cho phù hợp với HS. Hiện tại HS THPT học 14 môn. Số môn học nhiều gây quá tải khiến nhà trường không còn thời gian để tổ chức các chương trình giải trí, vui chơi thể thao văn nghệ cho HS.
Một điều cũng đáng quan tâm, không chỉ một số nội dung trong các môn Toán, Lý, Hóa chưa thiết thực với chương trình phổ thông mà nội dung các bộ môn khác cũng chưa thiết thực với HS. Vì vậy chúng ta cần mạnh dạn cắt bớt hoặc bỏ đi một số nội dung không thiết thực. Ví dụ như dạy máy tính trong trường, đa phần học trò đều biết hết, và khi theo ngành nghề nào sau này các em đều có thể học thêm ở ngoài theo những yêu cầu chuyên sâu cụ thể, vì vậy không nhất thiết phải học quá nhiều tại trường. Trang bị liều lượng kiến thức ra sao cho vừa đủ là vô cùng cần thiết. Giảm tải cũng nên căn cứ theo đặc trưng, điều kiện của vùng miền khác nhau. Ví như tại Hà Nội, môn kỹ thuật nông nghiệp, trồng rau nuôi cá... mấy HS đăng ký học, trong khi đó ở miền núi có khi các em lại phải học kỹ thuật công nghiệp... Với những chương trình học này không mấy tác dụng vì khi học song HS cũng bỏ không sử dụng đến.
Nếu chương trình học chưa phù hợp về thời gian và nội dung thì không chỉ ảnh hưởng tới HS mà còn khó ngay cả với GV trong quá trình giảng dạy. Theo chủ trương của bộ, giảm tải nội dung dạy học mà không giảm số tiết của mỗi môn học đồng nghĩa vói việc tăng thời gian thực học mỗi môn. Nhờ vậy, giáo viên có thời gian đi sâu hay mở rộng một vấn đề nhất định nào đó cho HS khi cần thiết hoặc có thêm thời gian cho việc vận dụng các phương pháp dạy học tiên tiến.
Chúng tôi mong Bộ và Sở sớm ban hành hướng dẫn về từng trường để các trường dễ thực hiện và việc giảm tải sẽ diễn ra thống nhất.
Ông Nguyễn Anh Ninh- Phó GĐ sở GDĐT Lào Cai:
Sự giảm tải là cần thiết để thực hiện chương trình nội dung GD có hiệu quả hơn đặc biệt là đối với GD của các tỉnh còn khó khăn như là các tỉnh vùng cao. Lào Cai rất đồng thuận với chủ trương giảm tải nội dung dạy học trong trường phổ thông của Bộ. Có thể nói đây là giải pháp quan trọng phù hợp để góp phần nâng cao tính vừa sức trong học tập của HS, từ đó để nâng được hiệu quả và chất lượng GD.
Tỉnh Lào Cai đã tích cực thực hiện chủ trương của Bộ GDĐT tiến hành rà soát về chương trình nội dung các môn học để góp tiếng nói cùng với Bộ GDĐT trong việc thực hiện giảm tải nội dung dạy học cho phù hợp và hiệu quả để việc giảm tải này phải hướng tới nâng cao được chất lượng GD.
TS. NGƯT Thái Văn Long – Giám đốc Sở GD Cà Mau:
Rất đồng tình với chủ trương giảm tải của Bộ GDĐT. Thời gian qua Bộ và các địa phương cũng đã đề cập đến việc giảm tải chương trình SGK phổ thông. Tuy nhiên lần này sau khi tiếp nhận công văn của Bộ lấy ý kiến góp ý của địa phương về vấn đề này tôi rất ủng hộ. Sở GDĐT Cà Mau sẽ triển khai cụ thể để các cán bộ quản lý và GV góp ý một cách hiệu quả nhất. Tôi cũng tin rằng từ cán bộ quản lý đến GV sẽ đồng tình và ủng hộ với dự thảo giảm tải mà Bộ đã đề ra vì nó cụ thể rõ ràng, thiết thực và phù hợp với những gì cần phải giảm tải theo từng bộ môn của từng cấp học. Qua đó sẽ có thời gian để bổ sung các nội dung giáo dục toàn diện vào kế hoạch giáo dục của mỗi trường nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục thực sự.
Chị Thanh Hà- Phụ huynh có con đang theo học cấp Tiểu học
Tôi chưa biết cụ thể việc giảm tải sẽ diễn ra như thế nào về nội dung cũng như thời lượng học tập, hình thức giảm tải... Tuy nhiên tôi cho rằng chủ trương giảm tải của ngành GD đưa ra là có lý do và nhằm mang lại cho HS một khối lượng và thời lượng học tập phù hợp nhất, làm sao để HS phát huy được khả năng của mình.
Con tôi đang theo học cấp TH, tôi nghĩ rằng với cấp học này các cháu được dạy vừa đủ và học vừa đủ để có thể tiếp nhận hết đã là một thành công. Đôi khi thấy con còn nhỏ mà thời gian học quá nhiều, thời gian được vui chơi ít cũng thấy rất thương con. Chúng tôi chờ đợi vào việc thực hiện giảm tải của ngành GD.
Theo Báo GD&TĐ online
Các tin mới hơn:
Các tin đã đưa: