Ông Huỳnh Công Minh, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: “Giảm tải nội dung là điều kiện để hướng đến việc dạy học cá thể”
Ông Huỳnh Công Minh, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM |
Trước hết, nói đến chuyện giảm tải nội dung dạy học là điều mà nhu cầu thực tế, sự phát triển của xã hội, cũng như hội nhập của nền giáo dục đã đòi hỏi từ nhiều năm nay. Đến bây giờ chúng ta mới làm thật ra là hơi trễ. Nhưng để làm công tác giảm tải một sớm, một chiều lại không phải là điều đơn giản. Chính vì thế, việc Bộ GD-ĐT quyết liệt thực hiện việc giảm tải nội dung dạy học với 5 nhiệm vụ trọng tâm cần hướng đến là điều tôi hết sức tán đồng.
Việc giảm tải cần phải hướng đến việc tạo tính chủ động cho GV, tạo điều kiện về mặt thời gian, quyền hạn cho người GV, giúp GV có thể xây dựng những ý tưởng, những tình huống ứng xử một cách độc lập, linh hoạt nhằm biến hoc sinh thành chủ thể trung tâm của tiết học dưới sự tương tác hai chiều qua lại GV-HS; HS-GV. Biến tiết học thành giờ học kiểu, vừa học, vừa chơi, mang tính tương tác cao giữa các nhóm học sinh…việc giảm tải sẽ thành công vì tiết học lúc đó đã đảm bảo mọi tiêu chí của việc dạy học theo hướng cá thể hóa.
Một điểm quan trọng nữa của việc thực hiện giảm tải chính là phải tạo cơ chế mở cho GV, đồng ý việc thực hiện giảm tải nội dung của Bộ GD-ĐT dựa trên sự chủ động của người GV trên khung chương trình, tạo điều kiện để họ điều tiết, giảng dạy cho phù hợp với từng đối tượng dạy học. Việc thực hiện trên sẽ giữ vững nền tảng chương trình, tạo điều kiện cho người GV có thời gian làm chủ tiết học. Nhưng nếu chúng ta không tạo được một cơ chế đánh giá học sinh phù hợp, mà cứ xoay quanh kiểu đánh giá bằng thi cử, kiểm tra một cách khô cứng thì vấn đề giảm tải sẽ rất dễ ngã theo hướng…giảm nhẹ áp lực thi cử.
Điều quan trọng nhất của giảm tải chính là việc tạo sự chủ động cho GV, hướng đến giáo dục toàn diện cho học sinh, đồng thời xác lập rõ mục tiêu: dạy học sinh làm người trước khi dạy kiến thức cho các em.
Ông Hồ Đắc Anh, hiệu trưởng trường THPT Võ Trường Toản (TPHCM): Giảm tải, phải lắng nghe ý kiến người trực tiếp giảng dạy”
Ông Hồ Đắc Anh, hiệu trưởng trường THPT Võ Trường Toản (TPHCM) |
Việc giảm tải nội dung dạy học giáo dục phổ thông là điều không sớm thì muộn cũng phải làm. Bộ GD-ĐT quyết liệt thực hiện việc giảm tải ngay trong năm học 2011-2012, tôi thấy là việc hết sức đúng đắn. Dù tới giờ mới thực hiện là chậm, nhưng việc Bộ GD-ĐT tổ chức lấy ý kiến của toàn ngành một cách rộng rãi, minh bạch, công khai, để xây dựng một khung chương trình hướng dẫn giảm tải cho thấy tín hiệu rất vui. Vì hiện nay, về mặt nội dung dạy học hầu hết các môn đều rất nặng. Thời gian dạy lý thuyết thì quá nhiều, một số môn nội dung kiến thức lại quá cao, vô tình gây áp lực cho cả GV và học sinh.
Chính vì thế, việc thực hiện giảm tải không chỉ là đòi hỏi của học sinh mà còn là của chính những GV đang trực tiếp đứng lớp. Trong đó, việc thực hiện giảm tải ra sao?, giảm tải nội dung, chương trình như thế nào cho phù hợp..? theo tôi cần phải lắng nghe ý kiến đóng góp của những người thực hiện chương trình (tức giáo viên) ở nhiều vùng miền khác nhau, chứ không nên lắng nghe những người viết chương trình.
Chỉ có người thực hiện chương trình người ta mới biết chương trình hiện nay dư chỗ nào, thiếu chỗ nào, chỗ nào cần phải lược bỏ, chỗ nào cần phải cô đọng và gộp lại trong một nội dung giảng dạy chung…thì mới xây dựng được nội dung giảm tải phù hợp và cô đọng. Bởi trong thực tế những người viết chương trình(những chuyên gia) phần nhiều chỉ nắm vấn đề trên mặt lý thuyết còn những nhà thực hành (những người thầy giáo, đối diện trực tiếp với học trò) mới biết hiện nay mình đang khó khăn chỗ nào.
Hiện nay, thông qua dự thảo những người quản lý, đội ngũ GV chúng tôi cũng nắm được phần nào ý tưởng để thực hiện và triển khai. Trong đó, việc xác định vai trò trung tâm của người GV trong nhiệm vụ này, cũng như từ vấn đề giảm tải để hướng đến mục tiêu dạy học theo hướng cá thể hóa là đòi hỏi của xã hội và xu thế hội nhập.
Tôi thấy, việc Bộ GD-ĐT hướng đến việc giảm tải là hướng đến một nội dung chương trình giảng dạy phù hợp, tạo tính hiệu quả và tính chủ động hơn nơi người GV và học sinh. Bởi khi chúng ta có một nội dung chương trình phù hợp, nó sẽ giao quyền chủ động cho thầy cô giáo, giúp họ chủ động hơn trong việc triển khai, thực hiện nội dung giảng dạy.
Trong đó, vấn đề thời gian tiết học là rất quan trọng, nếu lượng chương trình quá nặng, thời gian quá ít, GV không thể nào có thể đi sâu vào các vấn đề và thực hiện dạy học theo hướng cá thể hóa. Vì thế, Bộ GD-ĐT cần sớm quyết liệt thực hiện và xây dựng được giảm tải nội dung giáo dục phổ thông, cũng như giúp GV, hiệu trưởng các trường, cán bộ quản lý chủ động hơn (sớm có các văn bản hướng dẫn) thì việc giảm tải sẽ mang lại những tác động xã hội hết sức lớn lao.
Bà Phan Thị Thu Hà- Phó GĐ Sở GD& ĐT tỉnh Đồng Tháp:
Chúng tôi đồng tình chủ trương của Bộ GD& ĐT điều chỉnh nội dung dạy học phổ thông theo hướng giảm tải. Có thể thấy rằng hiện nay chương trình ở phổ thông vẫn còn một số chi tiết mang tính hàn lâm, còn ít thời gian thực hành, đôi khi HS không nắm vững kiến thức. Ở một số môn học không nên đặt ra vấn đề liệt kê sự kiện hay theo kiểu từ chương. Chính việc giảm tải sẽ chắt lọc lại nội dung trên nền kiến thức đó để việc day- học thuận tiện, khoa học hơn. Từ đó GV có cơ sở xác định rằng những gì cần giảm tải, chắc lọc lại nên có phương pháp giảng dạy cho phù hợp nhất, hiệu quả nhất.
Thực tế, xã hội và mọi người cần phải có cách đánh giá và cách nhìn khoa học hơn về chương trình học phổ thông và thấy được tính tích cực, khoa học của việc giảm tải. Khi xã hội và mọi người cứ kêu ca mãi là chương trình học hiện tại quá nặng nề, hàn lâm… đôi khi làm cho HS của chúng ta thêm áp lực và các em luôn cảm thấy rằng lúc nào chương trình cũng quá nặng! Việc giảm tải theo chủ trương của Bộ đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện tại các cơ sở giáo dục, cho việc giảng dạy của GV và học tập của HS. Đảm bảo không phá vỡ cấu trúc của chương trình sách giáo khoa, đảm bảo tính lôgic của mạch kiến thức và tính thống nhất giữa các bộ môn.
Tuy nhiên, bên cạnh việc giảm tải chúng ta phải chú trọng đến năng lực của GV, đây là yếu tố rất quan trọng. Cần phải có hướng dẫn thống nhất và cụ thể ở những nội dung giảm tải và cần tập trung bồi dưỡng nâng cao năng lực của GV. Chúng tôi mong muốn rằng sau lần giảm tải này sẽ có nhiều bước tiến hơn trong chương trình phổ thông. Sau khi giảm tải, ngành GD nên có lộ trình để theo dõi, đánh giá, tổng kết những hiệu quả của việc giảm tải.
Ở tỉnh Đồng Tháp chủ trương giảm tải không tạo ra sự bất ngờ vì tỉnh có bước chuẩn bị từ trước, 2 năm nay tỉnh đã chủ trương cho nhà trường xây dựng chương trình chi tiết nên áp dụng việc giảm tải không gặp khó khăn.
Tổ chức trò chơi trong tiết học toán cấp tiểu học (ảnh MH/ Internet)
Ông Huỳnh Văn Hoạch- Phó trưởng Phòng GD huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ
Chúng tôi thống nhất chủ trương điều chỉnh nội dung dạy học phổ thông theo hướng giảm tải của Bộ GD& ĐT. Đây là chủ trương nhằm đề cao vai trò chủ động của người dạy theo khung chương trình, dạy học theo đối tượng, áp dụng linh hoạt theo điều kiện địa phương và lớp học để nâng cao chất lượng GD. Nhất là ở vùng nông thôn khi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên việc giảm tải sẽ giúp nhà trường, GV sẽ đi sâu vào thực học nhiều hơn, phù hợp thực tế hơn. Thực tế trong chương trình hiện nay có những bài học nội dung ít nhưng dành thời gian nhiều, ngược lại có những bài nội dung nhiều nhưng thời gian rất ít, vì vậy chủ trương giảm tải đã tháo gỡ được khó khăn này. Đặc biệt là chủ trương giảm tải của Bộ đã góp phần tạo điều kiện cho GV giảng dạy phù hợp với đối tượng HS và điều kiện của địa phương.
Trước tiên việc điều chỉnh nội dung dạy học ở trường phổ thông theo hướng tinh giảm để việc dạy và học phù hợp với chuẩn kiến thức kỹ năng và mục tiêu giáo dục, phù hợp với thời lượng dạy học và điều kiện thực tế các nhà trường. Tuy nhiên để thực hiện cần phải có sự thống nhất quan điểm theo chủ trương của Bộ GD& ĐT. Ngành GD phải có sự quán triệt và thống nhất để hướng tới tạo điều kiện HS tiếp thu kiến thức, kỹ năng trong chương trình thuận lợi hơn và GV có điều kiện đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá hoặc tổ chức các hoạt động giáo dục toàn diện cho HS theo yêu cầu của chương trình GD phổ thông.
Trước thềm năm học mới, với chủ trương điều chỉnh nội dung dạy học phổ thông theo hướng giảm tải của Bộ GD& ĐT, ngành GD Cờ Đỏ đang tích cực triển khai từ Phòng GD cho đến các trường nhằm đảm bảo tiến độ. Bên cạnh đó đội ngũ GV cũng đã được tập huấn để sẵn sàng bước vào năm học.
Theo Anh Tú, Quốc Ngữ (Báo GDTĐ online)
Các tin mới hơn:
Các tin đã đưa: