Một bản báo cáo khá chi tiết của bộ Kế hoạch và đầu tư gửi uỷ ban Kinh tế của Quốc hội hôm qua (21.6) đã cho thấy, nền kinh tế trong sáu tháng qua cũng không hoàn toàn là màu xám. Đã có một số dấu hiệu mới xuất hiện được bộ này cho rằng sẽ trở thành xu hướng rõ rệt hơn trong các tháng tới.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sáu tháng đầu năm tăng 22,8% so cùng kỳ năm 2010. Ảnh: Hồng Thái
Cụ thể, theo bộ này, tỷ giá và thị trường ngoại hối đã ổn định trở lại. Các ngân hàng đã mua được một khối lượng khá lớn ngoại tệ từ người dân và doanh nghiệp. Tỷ giá giao dịch trên thị trường ngoại tệ đang có xu hướng giảm và ổn định thấp hơn tỷ giá trần cho phép của ngân hàng Nhà nước. “Dự trữ ngoại hối đang dần được cải thiện, ngân hàng Nhà nước đã mua bổ sung gần 3 tỉ USD dự trữ ngoại hối”, báo cáo của bộ Kế hoạch và đầu tư viết.
Tính đến ngày 10.6.2011, theo bộ Kế hoạch và đầu tư, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 2,33% so với tháng 12.2010, tín dụng tăng 7,05% so với tháng 12.2010.
Xuất khẩu đã đạt mức tăng trưởng khá cao: tổng kim ngạch xuất khẩu sáu tháng ước đạt 41,5 tỉ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước, nhiều gấp ba lần chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội thông qua. Điều này cũng đặt ra vấn đề phải chăng, việc xây dựng chỉ tiêu ở mức quá thấp nên không đánh giá chính xác mức độ tăng trưởng xuất khẩu? Kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, chưa kể dầu thô đạt khoảng 19 tỉ USD, tăng 28,1%.
Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng trong sáu tháng qua tăng rất mạnh: càphê ước tăng gần 81%, cao su gần 96% (dù chỉ tăng 24,5% về lượng), dệt may tăng 30,3%... Xu hướng tăng giá của nhiều mặt hàng xuất khẩu rất rõ nét. Bộ Công thương cũng tính rằng, riêng yếu tố tăng giá đã làm kim ngạch xuất khẩu sáu tháng cả nước tăng khoảng 2,7 tỉ USD. Nhu cầu nhập khẩu, mức giá nhập tăng nhanh ở các thị trường lớn đã giúp xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam vào các thị trường này tăng nhanh: xuất khẩu vào Mỹ sáu tháng qua tăng 22%, vào EU tăng 35%, vào Nhật tăng 23%, vào Trung Quốc, rất đáng chú ý - tăng hơn 40%.
Tuy nhiên, nhập khẩu cũng tăng quá nhanh: sáu tháng, cả nước nhập khẩu ước khoảng 49 tỉ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhập siêu vì thế lên tới 7,5 tỉ USD, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn chỉ tiêu Chính phủ đề ra (16%).
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng rất nhanh trong những tháng đầu năm nhưng từ tháng 5 đến nay đã có dấu hiệu giảm nhiệt. Theo ước tính của bộ Kế hoạch và đầu tư, mặc dù chưa có con số thống kê chính thức được công bố của tổng cục Thống kê, CPI tháng 6 của cả nước ước tăng 1%, giảm khá nhiều so với mức tăng cao nhất trong tháng 4 (3,32%), và mức tăng trong tháng 5 (2,21%). Như vậy CPI tháng 6 so với tháng 12 năm 2010 tăng khoảng 13%. Bộ Kế hoạch và đầu tư dự báo, CPI cả năm sẽ vào khoảng 15%.
Cũng theo bộ Kế hoạch và đầu tư, do phải tập trung vào mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nên tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế sáu tháng đầu năm bị ảnh hưởng. Tốc độ tăng GDP sáu tháng đầu năm nay ước chỉ đạt 5,6% (sáu tháng đầu năm 2010, GDP tăng 6,16%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chỉ tăng 1,9%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,6%, dịch vụ tăng 6,3%. Giá trị sản xuất công nghiệp sáu tháng đầu năm ước đạt 419.000 tỉ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2010.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sáu tháng đầu năm ước đạt 914.000 tỉ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2010. Về dịch vụ du lịch, sáu tháng đã có 3 triệu lượt khách quốc tế, tăng 17% so với năm trước.
Tuy nhiên, cũng theo bộ Kế hoạch và đầu tư, nền kinh tế vẫn đứng trước nhiều khó khăn lớn. Thứ nhất là việc thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất liên ngân hàng gây khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc vay vốn tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh. Thứ hai, nhập siêu có xu hướng tăng cao và cao hơn chỉ tiêu đặt ra trong khi tỷ giá và giá cả hàng hoá nhập khẩu diễn biến phức tạp có thể ảnh hưởng đến khả năng cải thiện cán cân thanh toán.
Cuối cùng, bộ này cho rằng, nguy cơ lạm phát và việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt tại nhiều nước trên thế giới, cùng việc tăng giá dây chuyền và tăng giá tâm lý sau khi có sự điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu trong nước, tiếp tục làm tăng chi phí đầu vào sản xuất và tăng giá cả hàng hoá tiêu dùng trong nước. Những yếu tố này có thể làm “thiết lập mặt bằng giá mới cao hơn trước, gây khó khăn cho việc kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả thị trường cũng như phát triển sản xuất, kinh doanh”, bộ Kế hoạch và đầu tư nhận định.
Còn nhiều địa phương chần chừ cắt giảm đầu tư công Trong một báo cáo về tình hình rà soát, cắt giảm đầu tư công cùng ngày gửi uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, tính đến ngày 10.6.2011, bộ này đã nhận được báo cáo chính thức về việc rà soát, cắt giảm, điều chuyển vốn của 57/60 các bộ, ngành trung ương và 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Yên Bái, Điện Biên chưa báo cáo). Theo đó, các bộ, ngành, địa phương đã cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2011 của 2.048 dự án với số vốn 5.556,4 tỉ đồng, trong đó có 1.145 dự án khởi công mới. Theo bộ Kế hoạch và đầu tư, do có những “băn khoăn, chần chừ” của nhiều địa phương nên đến nay, các địa phương mới thực hiện cắt giảm, đình hoãn 1.768 dự án với số vốn 4.440 tỉ đồng; trong đó đình hoãn, dừng khởi công 918 dự án mới. Theo bộ này, số vốn điều chuyển, cắt giảm của các địa phương là khá thấp so với số dự án khởi công mới không thuộc đối tượng triển khai năm 2011. Riêng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã tiến hành rà soát, đình hoãn, giãn tiến độ của 907 dự án với số vốn trên 39.210 tỉ đồng. |
Theo Mạnh Quân (Sài Gòn tiếp thị)
Các tin mới hơn:
Các tin đã đưa: