Ông Nguyễn Văn Hoằng (nguyenvanhoang13071971@...) đề nghị cho biết mức lương của ông được tính như thế nào tại thời điểm tháng 1/2010, 5/2011 và 1/2012 , nếu tháng 12/2009 ông đang hưởng hệ số lương 2,25 bậc 2 của chức danh quy định tại Bảng lương số 5 ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ.
Ông Hoằng sinh năm 1971. Từ tháng 3/2000 đến tháng 3/2009 ông làm Bí thư Đoàn thanh niên xã. Từ tháng 4/2009 đến nay là Ủy viên UBND xã – Chỉ huy trưởng quân sự xã. Ngày 1/8/ 2006 ông tốt nghiệp Đại học Kinh tế Nông nghiệp. Năm 2008 ông tốt nghiệp Trung cấp lý luận chính trị. Hiện ông đang học Trung cấp quân sự cơ sở đến tháng 12/2011 tốt nghiệp.
Về vấn đề trên, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng, Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Ngày 27/5/2010, Liên Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ.
Theo đó, tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư này quy định: Cán bộ cấp xã đã tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP thì thực hiện xếp lương như công chức hành chính quy định tại bảng lương số 2 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP. Cụ thể:
a. Cán bộ cấp xã tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đại học trở lên xếp lương theo ngạch chuyên viên (mã số 01.003); tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cao đẳng xếp lương theo ngạch chuyên viên (cao đẳng) (mã số 01a.003); tốt nghiệp trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trung cấp xếp lương theo ngạch cán sự (mã số 01.004).
b. Trường hợp đã có bằng tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ trước ngày 1/1/2010 và đã được xếp lương chức vụ quy định tại bảng lương số 5 ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, thì được căn cứ vào từng thời điểm trong thời gian công tác có đóng BHXH (nếu có thời gian đóng BHXH đứt quãng mà chưa được tính hưởng chế độ BHXH thì được cộng dồn) đã có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để xếp vào bậc lương theo ngạch công chức hành chính quy định tại điểm a Khoản 2 Điều này theo nguyên tắc sau:
Cứ sau mỗi khoảng thời gian 3 năm (đủ 36 tháng) đối với ngạch chuyên viên và ngạch chuyên viên (cao đẳng) và cứ sau mỗi khoảng thời gian 2 năm (đủ 24 tháng) đối với ngạch cán sự được xếp lên 1 bậc lương trong ngạch được xếp. Trường hợp trong thời gian công tác có năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc bị kỷ luật (khiển trách hoặc cảnh cáo) thì cứ mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc cứ mỗi lần bị kỷ luật bị trừ 6 tháng; nếu bị kỷ luật cách chức thì cứ mỗi lần bị kỷ luật bị trừ 12 tháng; nếu có năm vừa không hoàn thành nhiệm vụ được giao, vừa bị kỷ luật thì thời gian bị trừ của năm đó cũng chỉ tính theo thời gian bị trừ của hình thức bị kỷ luật.
Sau khi quy đổi thời gian để xếp vào bậc lương theo ngạch công chức được xếp nêu trên, nếu có số tháng chưa đủ 36 tháng đối với ngạch chuyên viên và ngạch chuyên viên (cao đẳng) hoặc chưa đủ 24 tháng đối với ngạch cán sự, thì số tháng này được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương lần sau theo ngạch được xếp. Trường hợp được tính xếp vào bậc lương cuối cùng trong ngạch mà vẫn còn thừa thời gian công tác thì thời gian công tác còn thừa này được tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung như sau: Sau 3 năm (đủ 36 tháng) đối với ngạch chuyên viên và ngạch chuyên viên (cao đẳng) và sau 2 năm (đủ 24 tháng) đối với ngạch cán sự được tính hưởng 5%, cứ mỗi năm tiếp theo được tính hưởng thêm 1%.
Căn cứ vào nguyên tắc nêu trên, thực hiện việc chuyển xếp từ lương chức vụ đã hưởng theo bảng lương số 5 ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP sang lương theo ngạch, bậc công chức hành chính như sau:
Trường hợp trong suốt thời gian công tác không có thay đổi về trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ thì kể từ ngày tham gia công tác được tính xếp vào hệ số lương bậc 1 của ngạch công chức hành chính quy định tại điểm a khoản 2 Điều này. Thời gian công tác sau đó được tính xếp lên bậc lương cao hơn trong ngạch theo nguyên tắc quy định tại điểm b này.
Trường hợp trong thời gian công tác có thay đổi về trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ thì thực hiện như sau: Nếu chưa có trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ kể từ ngày tham gia công tác, sau đó mới tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ (lần đầu) thì kể từ ngày được cấp văn bằng tốt nghiệp được tính xếp vào hệ số lương bậc 1 của ngạch công chức hành chính quy định tại điểm a khoản 2 Điều này; thời gian công tác sau đó được tính xếp lên bậc lương cao hơn trong ngạch theo nguyên tắc quy định tại điểm b này. Nếu có thay đổi trình độ đào tạo chuyên môn nghiệp vụ từ 2 lần trở lên thì được xếp lương tương ứng với từng khoảng thời gian có thay đổi trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ.
Trường hợp ông Nguyễn Văn Hoằng, theo hướng dẫn nêu trên, thì kể từ ngày 1/1/2010 ông Hoằng được xếp lương theo ngạch công chức hành chính: Thời gian công tác có trình độ đại học của ông Hoằng từ ngày 1/8/2006 (ngày được cấp bằng tốt nghiệp đại học) đến ngày 1/1/2010 là 3 năm 4 tháng, cứ 3 năm xếp lên 1 bậc, thì tính đến ngày 1/8/2009 ông Hoàng được xếp vào hệ số lương 2,67 bậc 2 ngạch chuyên viên. Thời gian xét nâng bậc lương lần sau theo ngạch chuyên viên được tính kể từ ngày 1/8/2009. Nếu trong thời gian giữ bậc 2 ngạch chuyên viên ông Hoằng hoàn thành nhiệm vụ được giao, không bị kỷ luật thì đến ngày 1/8/2012 ông sẽ được nâng lên bậc 3, hệ số lương 3,00.
Như vậy, nếu ông Hoằng đã được Phòng Nội vụ huyện chuyển xếp lương theo Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH thì vào các thời điểm tháng 1/2010, tháng 5/2011 và tháng 1/2012, lương ông Hoàng ở bậc 2 ngạch chuyên viên, hệ số 2,67.
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.
Theo Luật sư Trần Văn Toàn (VPLS Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội) - VGP News
Các tin mới hơn:
Các tin đã đưa: