Mặc dù không nằm trong “vành đai lửa” của các chấn tâm động đất mạnh trên thế giới, Việt Nam vẫn có mối hiểm họa động đất khá cao.
Ảnh chụp khu vực biển Đông từ vệ tinh
Đó là báo cáo của các nhà khoa học tại Hội thảo quốc tế "Nguy hiểm động đất, sóng thần và các hệ thống cảnh báo sớm khu vực Châu Á – Thái Bình Dương" do Viện Vật lý địa cầu - Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam tổ chức trong hai ngày (5 và 6-9).
Hội thảo có sự tham dự của nhiều nhà khoa học đến từ các nước như Nga, New Zealand, Indonesia, Italia... nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tìm ra những phương pháp cảnh báo sớm các thiên tai cho cộng đồng, giúp hạn chế tối đa những thiệt hại về vật chất và con người.
Tại Việt Nam, trong lịch sử đã ghi nhận một số trận động đất với cấp độ khá mạnh (6,7-6,8 độ richter) tại những đới đứt gãy dài hàng trăm km, như đới đứt gãy sông Hồng, sông Chảy, Sơn La, Sông Mã, đới đứt gãy 109…
Một số khu đô thị lớn hiện đang nằm trên các đới đứt gãy và có khả năng xảy ra những trận động đất có cấp độ rất mạnh như Hà Nội, đang nằm trên các đới đứt gãy sông Hồng, sông Chảy, sông Mã, Sơn La được dự báo phải chịu đựng chấn động cấp độ 8.
Đối với nguy cơ sóng thần ở Việt Nam, theo các nhà khoa học thuộc Viện Vật lý địa cầu, động đất có thể gây sóng thần nguy hiểm nhất cho vùng ven biển Việt Nam là động đất xảy ra tại đới hút chìm Manila.
Thời gian lan truyền sóng thần ngắn nhất từ đới này tới bờ biển Việt Nam là hai giờ.
Vùng biển miền Trung từ Đông Hà tới Phan Rang là khu vực chịu ảnh hưởng sóng thần lớn nhất trên vùng lãnh thổ Việt Nam.
Khu vực biển miền Bắc và miền Nam ít có khả năng bị ảnh hưởng của sóng thần.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã thảo luận những vấn đề xoay quanh vấn đề động đất, sóng thần tại Việt Nam và các khu vực thường xuyên xảy ra những chấn động trên thế giới như Nhật Bản, Indonesia, New Zealand...
Một số nhà khoa học quốc tế cũng đưa ra các giải pháp giúp cảnh báo thiên tai sớm cho vùng Châu Á – Thái Bình Dương, đó là Chiến lược ứng phó giảm nhẹ hậu quả động đất và sóng thần ở Việt Nam; Các kịch bản sóng thần khu vực Biển Đông; Phương pháp xác định vùng động đất mạnh và áp dụng cho vùng Đông Nam Á; Kịch bản dựa trên đánh giá độ nguy hiểm động đất từ các nghiên cứu ở Italia đến các hiệu ứng nền ở thành phố Hà Nội; Đánh giá và theo dõi độ nguy hiểm địa chất ở New Zealand...
Theo TTXVN \\ Tuổi trẻ online
Các tin mới hơn:
Các tin đã đưa: