Đầu tuần, giá cà phê tiếp tục sụt giảm thêm 82 USD, xuống mức 2.339 USD/tấn cho kỳ hạn tháng 5 và giảm thêm 34 USD, xuống mức 2.308 USD/tấn cho kỳ hạn tháng 7. Giá cà phê trong nước cũng trở về mức 46.100-46.200 đồng/kg nhân xô.
Nhưng chỉ hôm sau, giá cà phê lại có một trong những phiên tăng mạnh mẽ nhất kể từ tháng 11/2010. Giá cà phê ararbica ở New York tăng 12,2 cent, lên mức 268,25 cent/lb. Tương tự, giá cà phê robusta ở London tăng 159 USD, lên 2.498 USD/tấn cho kỳ hạn tháng 5 và tăng 90 USD, lên 2.398 USD/tấn cho kỳ hạn tháng 7. Giá cà phê trong nước cũng tăng 1,6 triệu đồng, lên mức 47,6 – 47,7 triệu đồng/tấn.
Nguyên nhân được cho là do hoạt động mua bù thiếu mạnh mẽ của các nhà đầu tư và quỹ hàng hoá, phản ánh qua con số thống kê khối lượng giao dịch. Bên cạnh còn là thông tin nguồn hàng của Việt Nam gần cạn kiệt, chỉ còn đưa đến 20% sản lượng dành cho xuất khẩu nửa năm còn lại và dự báo xuất khẩu tháng 4 chỉ bằng 50-70 % của tháng 3 khiến thị trường càng thêm lo lắng về nguồn cung.
Phiên tiếp theo là giá cà phê giảm nhẹ, điều thường thấy sau những phiên tăng cao, do hoạt động chốt lời của nhà đầu tư. Nhưng kéo dài cho đến cuối tuần giá cà phê vẫn trong xu hướng gia tăng.
Nhìn chung, hoạt động giao dịch của thị trường cà phê trong nước diễn ra thưa thớt vì nguồn hàng của vụ này đã cạn kiệt. Bà con đã chuyển sang tập trung giải quyết khâu tưới nước và chống hạn cho cây cà phê vụ tiếp theo.
Hiện nay, thời tiết Tây nguyên bắt đầu có nắng to, bước vào giai đoạn khốc liệt của thời kỳ khô hạn, cây cà phê rất cần nước để chống chịu. Hiện tượng các đập dâng, hồ chứa thủy lợi tích nước không đạt yêu cầu đã được cảnh báo.
Tuy vậy, nông dân không biết gì hơn là trông chờ vào những cơn mưa trái mùa để giải hạn. Hoa cà phê ở nhiều vùng đã có hiện tượng khô cháy, sẽ có khả năng niên vụ 2011/2012 ngành cà phê nước ta tiếp tục mất mùa.
Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), trong báo cáo thị trường tháng 3/2011, tiếp tục điều chỉnh dự báo sản lượng toàn cầu niên vụ 2010/2011 xuống còn 133,1 triệu bao, thấp hơn 0,6 triệu bao so với dự báo đầu tháng 3, do sản lượng của Indonesia sụt giảm vì mất mùa.
Các công ty kinh doanh, những nhà xuất khẩu cà phê vẫn đang tìm mọi biện pháp để thu hút số hàng còn tồn trong dân, nhưng xem ra đây là điều khó. Vì những nhà nông còn dự trữ thực sự là những nhà có kinh tế khá giả, vốn đầu tư cho niên vụ mới không phải là mối quan tâm chính của họ.
Qua những phiên tăng giảm kế tiếp nhau cho thấy, thị trường cà phê thế giới vẫn thiếu định hướng. Cung cầu vẫn còn đó rất nhiều yếu tố hỗ trợ tốt nhưng hoạt động của các quỹ đầu cơ hàng hóa, chốt lời của nhà đầu tư trên sàn đã chi phối, làm cho giá cà phê lên xuống thất thường.
Nhiều người cho rằng, giá cà phê sẽ tăng tiếp vì có nhiều nhà đầu tư đã mua ở vùng giá cao thời gian qua, và họ sẽ đẩy lên để chốt lời.
Chốt tuần, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 lên mức 2.447 USD/tấn, tăng 139 USD và kỳ hạn tháng 5 lên mức 2.468 USD/tấn, tăng 129 USD, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 cũng tăng 15,05 cent lên mức 274,95 cent/lb. Giá cà phê nhân xô ở ĐakLak, ĐakNông tăng lên mức 48.200-48.300 đồng/kg, mức cao nhưng thị trường vẫn trầm lắng.
Giá cà phê xuất khẩu không đổi loại 2, 5% đen vỡ, FOB (HCM) ở 2.340-2.350 USD/tấn với mức trừ lùi về còn 100 USD. Xu hướng là giá cà phê sẽ còn tăng tiếp, vì nguồn cung thực sự khan hiếm mà nhu cầu tiêu dùng của thế giới ngày càng tăng cao …
Theo Anh Văn (Giá cà phê)
Các tin mới hơn:
Các tin đã đưa: