Toàn văn Thông cáo chung giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHXHCN Dân chủ Sri Lanka.
1. Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Dân chủ Sri Lanka Mahinda Rajapaksa, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang và Phu nhân đã thăm cấp Nhà nước tới Sri Lanka từ ngày 13 đến 15/10/2011.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống
Sri Lanka Mahinda Rajapaksa - Ảnh TTXVN
2. Lễ đón chính thức Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được tổ chức trọng thể tại sân bay quốc tế Bandaranaike ngày 13/10/2011. Trong chuyến thăm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các liệt sĩ; hội đàm chính thức và dự chiêu đãi trọng thể của Tổng thống Mahinda Rajapaksa; hội kiến với Thủ tướng D M Jayaratne, Bộ trưởng Ngoại giao Giáo sư GL Peiris, Bộ trưởng Nguồn Nhân lực trên cương vị là lãnh đạo Phong trào Đoàn kết Sri Lanka – Việt Nam D E W Gunasekera; cùng Thủ tướng D M Jayaratne khai trương Đại sứ quán Việt Nam tại Colombo. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Sri Lanka – Việt Nam với sự tham gia của đại diện giới doanh nghiệp và quan chức cao cấp của chính phủ hai nước.
3. Hội đàm chính thức giữa hai bên diễn ra trong bầu không khí hữu nghị, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Hai bên thông báo cho nhau về tình hình chính trị và phát triển kinh tế của mỗi nước và trao đổi quan điểm về hợp tác giữa hai nước. Tổng thống Mahinda Rajapaksa bày tỏ ngưỡng mộ về sự quả cảm của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và chúc mừng thắng lợi của Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam và Quốc hội khóa XIII. Tổng thống Sri Lanka cũng chúc mừng Chủ tịch nước được bầu vào cương vị cao cả.
4. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc mừng Tổng thống Mahinda Rajapaksa đã giành được thắng lợi quyết định đối với chủ nghĩa khủng bố ở Sri Lanka sau nhiều năm xung đột và khẳng định lại sự ủng hộ đối với việc gìn giữ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Sri Lanka. Chủ tịch nước cho biết Việt Nam ủng hộ các nỗ lực của Tổng thống Sri Lanka trong việc xây dựng một quốc gia hòa bình, thịnh vượng và đoàn kết tất cả các cộng đồng thiểu số. Chủ tịch nước cũng chúc mừng Tổng thống Mahinda Rajapaksa giành được thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội năm 2010 và bầu cử chính quyền địa phương năm 2011, ghi nhận các đề nghị phát triển của Sri Lanka được nêu trong kế hoạch “Mahinda Chinthana”.
5. Hai nhà lãnh đạo hài lòng nhận thấy quan hệ giữa hai nước đã phát triển tốt đẹp trong hơn 40 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1970, trong đó có các lĩnh vực then chốt phù hợp. Hai bên hoan nghênh việc thành lập cơ chế hợp tác liên nghị viện và nhất trí tăng cường các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước nhằm củng cố hơn nữa quan hệ song phương.
6. Phù hợp với tầm nhìn về quan hệ Sri Lanka – Việt Nam trong tương lai, hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng với tiềm năng của hai nước, hai bên cần tiếp tục tăng cường hợp tác trên cơ sở chia sẻ, hài hòa các mối quan tâm và lợi ích chung, tạo nên sự kết nối và gia tăng sức mạnh tổng hợp của hai nền kinh tế, củng cố các thể chế hợp tác sẵn có. Theo đó, hai bên nhất trí cuộc họp tới của Ủy ban Hỗn hợp hai nước sẽ được tổ chức vào thời gian sớm nhất tại Việt Nam nhằm đề ra các chương trình hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
7. Hai bên nhất trí thúc đẩy đối thoại về các vấn đề an ninh, quốc phòng phù hợp với quan hệ hai nước, thông qua các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa các lực lượng quốc phòng và đào tạo cán bộ quốc phòng.
8. Hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến việc ký kết Bản ghi nhớ về Tham vấn chính trị song phương giữa hai Bộ Ngoại giao, Bản ghi nhớ về hợp tác chế tạo máy, Bản ghi nhớ về hợp tác xúc tiến đầu tư hai chiều, Hiệp định về hợp tác giáo dục 2011-2015, Bản ghi nhớ về hợp tác tài chính, Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng, Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực dầu khí và hợp đồng bán dầu khí. Hai nhà lãnh đạo thống nhất cho rằng việc thực hiện các thỏa thuận này sẽ góp phần xây dựng các chương trình hợp tác song phương, trong đó có việc khuyến khích ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực liên quan.
9. Hai bên ghi nhận chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Rajapaksa tới Việt Nam năm 2009 đã tạo cơ sở cho việc mở rộng hợp tác kinh tế thương mại, vì sự tiến bộ và thịnh vượng chung của cả hai nước. Hai bên nhất trí trên cơ sở hợp tác sẵn có, hợp tác kinh tế và thương mại song phương cần được tăng cường hơn nữa thông qua việc khai thác hết tiềm năng của mỗi nước. Trên tinh thần đó, hai nhà lãnh đạo nhất trí phấn đấu đạt 1 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều trong những năm tới.
10. Hai bên nhất trí cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giao dịch thương mại bao gồm việc xác định và dỡ bỏ hàng rào phi quan thuế, đơn giản hóa các tiêu chuẩn đã được hai bên công nhận. Hai bên cũng nhất trí đa dạng hóa các mặt hàng và tìm các biện pháp để tạo động lực mới cho quan hệ hợp tác kinh tế, trong đó có việc thành lập các liên doanh nhằm tăng cơ hội xuất khẩu cho cả hai nước. Hai nhà lãnh đạo nhất trí chỉ đạo các quan chức hai nước nghiên cứu khả năng trao đổi về Hiệp định Thương mại ưu đãi giữa Sri Lanka và Việt Nam.
11. Tổng thống Sri Lanka thông báo về Dự án phát triển Đại Hambantota và mong muốn của Sri Lanka phát triển Dự án này thành trung tâm hải cảng và hàng không ở Nam Á. Tổng thống Mahinda Rajapaksa hoan nghênh Việt Nam đầu tư vào dịch vụ viễn thông, thiết bị công nghệ, khách sạn và mời các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các cơ hội đầu tư sẵn có ở Sri Lanka. Hai bên ghi nhận rằng Thỏa thuận Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư được ký kết năm 2009 đã góp phần hơn nữa vào việc tạo ra cơ chế đầu tư tăng cường giữa hai nước. Hai bên quan tâm sâu sắc đến việc phát triển hợp tác toàn diện trong lĩnh vực năng lượng, bao gồm thăm dò và khai thác, chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm.
12. Hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng hai nước còn nhiều tiềm năng lớn để mở rộng hơn nữa hợp tác về nông nghiệp, nghề cá, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia cầm. Để đạt được mục tiêu này, hai bên nhất trí xây dựng chương trình hợp tác cụ thể trong lĩnh vực nông nghiệp và nghề cá, bao gồm việc chế biến thực phẩm, công nghệ sau thu hoạch và chế biến cá.
13. Nhận thấy tiềm năng to lớn của hai nước trong việc khai thác nguồn nhân lực, phương thức hướng tới tiến bộ kinh tế và xã hội, hai nhà lãnh đạo nhất trí cần tăng cường quan hệ giáo dục. Hai bên cũng nhất trí cần đẩy mạnh trao đổi văn hóa giữa hai nước thông qua việc khuyến khích trao đổi các đoàn nghệ thuật, quảng bá các tác phẩm văn học – nghệ thuật, đồng thời chia sẻ thành tựu văn hóa và kinh nghiệm của mỗi nước.
14. Hai bên nhất trí khuyến khích và tạo thuận lợi cho các cá nhân và tập thể đến du lịch tại các địa điểm Phật giáo ở cả hai nước. Hai bên nhất trí giao các cơ quan chức năng cùng hợp tác tạo điều kiện thuận lợi cho các đại lý du lịch của hai bên nhằm thúc đẩy hơn nữa du lịch giữa hai nước và đề ra Chương trình Hành động dựa trên Bản ghi nhớ về Du lịch ký năm 1994.
15. Hai bên ghi nhận sự cần thiết kết nối hàng không giữa hai nước để tận dụng tiềm năng hợp tác lớn hơn nữa trong lĩnh vực du lịch và đẩy mạnh giao lưu nhân dân, tiến tới ký kết Hiệp định dịch vụ Hàng không giữa hai nước.
16. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục hợp tác vì lợi ích chung của hai nước trên nguyên tắc không can thiệp. Hai bên lên án mạnh mẽ chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và quyết tâm tăng cường hợp tác trong các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn hiểm họa này một cách toàn diện. Tổng thống Rajapaksa cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ Sri Lanka trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố tại các diễn đàn đa phương.
17. Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Liên hợp quốc, Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Phong trào Không liên kết và Hợp tác Nam-Nam. Tổng thống Mahinda Rajapaksa chúc mừng Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010, đánh giá cao vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 của Việt Nam. Sri Lanka công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ và ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2013-2016.
18. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mời Tổng thống Mahinda Rajapaksa thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam vào thời gian thuận tiện và Tổng thống Mahinda Rajapaksa đã vui vẻ nhận lời.
19. Hai vị lãnh đạo bày tỏ hài lòng về kết quả chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Việt Nam tới Sri Lanka, coi đây là một minh chứng của mối quan hệ tuyệt vời giữa hai nước.
20. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cảm ơn Nhà nước và nhân dân Sri Lanka về sự đón tiếp nồng hậu dành cho Chủ tịch nước, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Sri Lanka.
Theo truongtansang.net
Các tin mới hơn:
Các tin đã đưa: