Khi những thảm họa thiên nhiên xảy ra, hai thứ đầu tiên dễ bị cắt nhất là điện và dịch vụ điện thoại. Trận động đất kinh hoàng ở Nhật Bản hôm 11/3 là một ví dụ rõ ràng nhất.
Hàng triệu người dân thiếu điện, điều đó có nghĩa là tivi và radio trở thành vô dụng. Người dân không thể bắt được thông tin cũng như các chỉ dẫn cứu trợ.
Trong khi đó, các đường dây điện thoại trở nên quá tải vì nhiều người cố gắng liên lạc với nhau. Theo trang Computer World, để duy trì đường dây nối cho các lực lượng cứu hộ, các nhà mạng đã hạn chế 80% đường truyền âm thanh. Do vậy, khi có nhiều người cố gắng gọi điện thoại cho nhau, các đường dây sẽ tắc nghẽn.
Trong những tình huống khẩn cấp, smartphone sẽ rất hữu dụng.
Trong những lúc như vậy, điện thoại thông minh (smartphone) thật hữu dụng. Chúng có pin riêng và cả kết nối Internet. Chúng tiếp tục hoạt động thậm chí cả khi các dịch vụ điện thoại đã bị gián đoạn. Nhưng điều tuyệt vời hơn cả nếu chiếc smartphone trong tay bạn đã được cài đặt những ứng dụng hữu ích cho thể giúp bạn sống sót qua thảm họa.
Như trong vụ việc tại Nhật Bản, khi các dịch vụ y tế tại chỗ bị quá tải, do số người bị thương và hoảng loạn tăng lên, người dân nước này đã tìm đến sự trợ giúp từ một ứng dụng y học trên iPhone có tên Medical Encyclopedia for Home Use. Hiện ứng dụng này đang đứng trong top các phần mềm miễn phí được tải nhiều nhất trên gian hàng iTunes của Nhật Bản.
Theo thông tin từ phía nhà phát hành, thì họ đã cung cấp Medical Encyclopedia for Home Use không thu phí kể từ khi nước Nhật phải gánh chịu liên tiếp các thảm họa. Quyết định đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân Nhật Bản, bởi hơn lúc nào hết, họ rất cần những sự trợ giúp liên quan tới sức khỏe bản thân và những người xung quanh.
Ngoài Medical Encyclopedia for Home Use, hiện còn có nhiều ứng dụng hữu ích khác cho smartphone, có thể dùng trong những tình huống nguy hiểm:
BuddyGuard: Ứng dụng miễn phí của MPOWER Labs. Hiện phần mềm này đã có trên các thiết bị chạy hệ điều hành iPhone (iOS) và sẽ sớm có mặt trên các dòng Android và BlackBerry.
Khi người dùng kích hoạt phần mềm này, máy ảnh trên điện thoại sẽ chụp ảnh liên tục, cứ mỗi 10 giây một lần. Tất cả âm thanh sẽ được ghi lại và GPS cũng định vị vị trí của bạn 3 giây một lần. Tất cả những dữ liệu này sẽ được tải liên tục lên đám mây, và một đường liên kết dữ liệu sẽ được gửi đến tất cả những liên hệ khẩn trong danh bạ của bạn.
Do dữ liệu này được trữ trên đám mây, nên nó không bị mất đi cho dù bạn có làm hỏng hay đánh mất điện thoại. BuddyGuard cũng có chức năng nói thay bạn: "Đừng lo, tôi bình thường". Chức năng này sẽ giúp nói với bạn bè và người thân của bạn rằng bạn đang an toàn và xóa dữ liệu khỏi đám mây.
Một chức năng khác cũng rất hữu dụng. Khi bạn đặt chế độ hẹn giờ và không kiểm tra lại đúng vào thời gian đã hẹn, một thông tin cảnh báo sẽ được gửi tới những người có trong danh bạ điện thoại của bạn, để họ lưu ý có thể bạn đang gặp khó khăn và ở đâu để ứng cứu.
Phần mềm này là một ứng dụng miễn phí. Nhưng nếu bạn nâng cấp lên dịch vụ 9,99 USD/tháng, ứng dụng sẽ đưa những cảnh báo của bạn tới trung tâm ứng cứu khẩn cấp quốc tế của công ty cung cấp ứng dụng này. Trung tâm này sẽ quyết định có gửi những thông tin của bạn tới các đội cứu hộ khẩn cấp địa phương hay sứ quán nước bạn khi bạn đang ở nước ngoài hay không.
Emergency Radio: Điều quan trọng nhất trong bất cứ tình huống khẩn cấp nào là thông tin thời gian thực. Bạn cần biết điều gì đang xảy ra, phải làm gì và đi tới đâu. Dịch vụ radio khẩn cấp có giá 99 xu Mỹ này sẽ giúp bạn tiếp cận được với không chỉ cảnh sát, cứu hỏa mà còn cả bản đồ nơi những sự kiện đang diễn ra.
Disaster Caster: Khi thảm họa xảy ra, bạn sẽ không có nhiều thời gian để sắp xếp kế hoạch. Đó là lý do tại sao bạn phải lên các kế hoạch từ trước. Ứng dụng Disaster Caster cũng có giá 99 cent, sẽ giúp bạn làm điều đó. Khi tình huống khẩn cấp xảy ra, ứng dụng này sẽ công bố kế hoạch của bạn tới toàn bộ gia đình và bè bạn, nói với họ phải làm gì và quan trọng nhất là gặp nhau ở đâu.
Bạn có thể lưu trữ trên máy điện thoại nhiều kế hoạch dự trù cho những tình huống khẩn cấp khác nhau, ví dụ như động đất, núi lửa, lũ lụt, hay sóng thần. Phần mềm này cũng giúp bạn thông báo tới những người trong danh sách liên lạc khẩn của bạn về địa điểm bạn đang đứng, thậm chí cả khi chính bạn cũng không rõ mình đang ở đâu.
Pocket First Aid & CPR: Nếu ai đó cần sơ cứu, ứng dụng có giá 3,99 USD này của Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) có thể hướng dẫn bạn thực hiện việc sơ cứu, đồng thời giúp bạn gọi các dịch vụ cấp cứu.
Close Call: Nếu bạn có vấn đề gì về sức khỏe, ứng dụng miễn phí dành cho điện thoại iPhone này có thể giúp bạn trong các tình huống khẩn cấp. Đơn giản là phần mềm này sẽ bày lên màn hình điện thoại của bạn tất tật các số điện thoại khẩn cấp, những điều cấm kỵ đối với tình trạng sức khỏe của bạn.
Ngoài những công cụ kể trên, còn có nhiều ứng dụng khác chưa thể liệt kê hết, như dịch vụ bản đồ, định vị vệ tinh... Nhưng bạn cũng đừng quên các mạng xã hội như Facebook và Twitter.
Trong những tình huống khẩn cấp, với một chiếc smartphone có khả năng kết nối Internet trong tay, bạn có thể cập nhật status của mình trên mạng xã hội hoặc gửi tin nhắn tweet để cầu cứu bạn bè, người thân. Sự hữu dụng của các mạng xã hội, mạng tiểu blog này đã được chứng minh trong trận động đất và sóng thần kinh hoàng vừa qua ở Nhật Bản.
Theo Thu Lan (VnEconomy)
Các tin mới hơn:
Các tin đã đưa: