Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Lý - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), (ảnh) cho biết:
Năm nay, do bổ sung đối tượng được vay nên nguồn vốn tăng lên, dự kiến học kỳ 1 cần khoảng 5.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới chỉ giải ngân được khoảng gần 2.000 tỉ đồng, nghĩa là mới đáp ứng chưa được một nửa. Số còn lại gần 3.600 tỉ đồng. Bộ Tài chính vẫn đang nợ SV. Theo tôi được biết, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành tập trung, bố trí nguồn vốn cho SV. Về phía NHCSXH, Tổng giám đốc cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính và kiến nghị lên Thủ tướng đề nghị bổ sung vốn vay.
Theo phản ánh của SV, ở Nghệ An có trường hợp cả xã chưa nhận được vốn vay; ở Quảng Bình gia đình nào có 2 con trở lên thì chỉ có 1 người được vay. Có ý kiến cho rằng vốn vay về các địa phương bị “ém” lại sử dụng cho mục đích khác?
Hầu như ngày nào chúng tôi cũng nhận được phản ánh từ các địa phương hỏi về tình hình thiếu vốn vay. Như tôi đã nói ở trên, đây là lần đầu tiên vốn vay giải ngân chậm so với mọi năm, nên khiến người dân nghĩ là có tiêu cực, không được vay vốn. Tôi xin khẳng định, tất cả các đối tượng nằm trong diện đều được hưởng nguồn vốn vay không phân biệt. Chỉ có điều nguồn vốn hạn hẹp nên khi xuống cơ sở, có nơi chia vốn theo hộ gia đình. Gia đình nào có nhiều người đi học sẽ ưu tiên cho 1 người vay trước, bao giờ có đủ vốn sẽ giải ngân tiếp. Còn một số địa phương, có thể do chưa nắm được thông tin thiếu vốn nên mới có tình trạng có xã được giải ngân, có xã chưa.
Cũng xin nói thêm, một số địa phương triển khai chưa đến nơi đến chốn, dẫn đến việc xác định đối tượng chưa chính xác. Đây chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Trong 3 năm qua, theo kiểm tra của ngân hàng tỷ lệ cho vay sai đối tượng đều dưới 1%. Tất cả những trường hợp cho vay sai đối tượng khi phát hiện đều đã thu hồi được ngay.
Nghĩa là trong thời gian tới, SV vẫn phải tiếp tục chờ đợi vốn vay?
NHCSXH cũng đã kêu rồi, nhưng vốn giải ngân lại ở phía Bộ Tài chính. Do tình hình kinh tế khó khăn, nên có lẽ Bộ Tài chính cũng phải cân đối ngân sách mới có thể có vốn giải ngân. Tôi khẳng định, bao giờ có đủ vốn NHCSXH sẽ chuyển về các phòng giao dịch giải ngân, chậm nhất trong vòng nửa tháng tiền sẽ đến tay SV.
Mặc dù mức vay mới tối đa hiện nay là 900.000 đồng/tháng, tăng 40.000 đồng so với mức vay cũ. Tuy nhiên, với tình hình giá cả sinh hoạt, học phí, điện nước những tháng gần đây đều tăng cao, dường như mức cho vay mới vẫn quá thấp?
Theo khảo sát của chúng tôi, mỗi tháng một sinh viên từ quê lên thành phố học phải trang trải khoảng từ 1,5 - 1,8 triệu đồng/tháng. Do đó, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính và NHCSXH điều chỉnh mức cho vay tín dụng đối với HS-SV. Mức cho vay phân ra làm 2 loại: hộ nghèo và hộ cận nghèo. Đối với hộ nghèo sẽ được vay khoảng 900.000 đồng/tháng (tăng 40.000 đồng so với mức trước đây). Hộ cận nghèo thấp hơn, vì ngân sách có hạn nên mức cho vay của NHCSXH chỉ mang tính chất hỗ trợ, chứ không thể đáp ứng hết yêu cầu. NHCSXH sẽ căn cứ vào mức thu học phí của từng trường, sinh hoạt phí và nhu cầu của người vay để quyết định mức vay cụ thể đổi với từng HS-SV.
Bộ Tài chính chưa cân đối được nguồn vốn Theo một lãnh đạo của Bộ Tài chính, bộ này đã nhận được văn bản của NHCSXH về việc xin cấp thêm nguồn vốn để tiếp tục giải ngân cho chương trình. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, nguyên nhân chính của sự chậm trễ trên là do Bộ chưa cân đối được nguồn vốn. Hiện tại số tiền còn lại của chương trình phải chờ đợt phát hành trái phiếu của Ngân hàng Chính sách do Chính phủ bảo lãnh trong thời gian tới. Nếu huy động vốn không kịp để giải ngân trong học kỳ 1, sẽ tiếp tục được giải ngân vào học kỳ 2. (X.Vũ) |
Theo Thu Hằng (Thanh niên)
Các tin mới hơn:
Các tin đã đưa: