Nếu tiếng trống Bồ Ðề tháng 10-1930 mở đầu cuộc biểu tình thị uy của hàng nghìn người dân Bình Lục là một minh chứng về tinh thần cách mạng tiến công, thì sự kiện 32 cụ ông và thanh niên, thiếu niên thôn Ðức Bản, xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân bị giặc Pháp bắn, giết dã man ngày 15-3-1952 vì che giấu thương binh đã khẳng định khí phách kiên cường của nhân dân Hà Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại dưới sự lãnh đạo của Ðảng.
Ðã 81 năm, những người dân xã Bồ Ðề, huyện Bình Lục tham gia cuộc biểu tình, thị uy lực lượng đấu tranh đòi giảm sưu cao, thuế nặng, ủng hộ phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh và cuộc đấu tranh của nông dân huyện Tiền Hải (Thái Bình) không còn nữa. Nhưng ngôi đình Triều Hội, nơi vang lên tiếng trống sáng 20-10-1930, mở đầu cuộc biểu tình vẫn uy nghiêm đứng đó như một nhân chứng lịch sử.
Lặng lẽ nhìn ngôi đình, chúng tôi như được trở lại thời điểm lịch sử không bao giờ quên ấy qua lời kể của những người cao tuổi trong xã như: ông Trình Huy Bổng và Ðỗ Quang Văn. Ðể chuẩn bị cho cuộc biểu tình, những ngày đầu tháng 10-1930, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Hà Nam, nông dân xã Bồ Ðề đã bí mật may cờ, in truyền đơn, khẩu hiệu. Ðêm 19-10, trên các cây đa chợ Hôm, cây gạo chợ Vàng, mái đình Lương Phú, những đảng viên xã Bồ Ðề đã bí mật treo cờ, kêu gọi dân chúng đứng lên đấu tranh. 3 giờ sáng ngày 20-10, những người biểu tình giả làm người đi chợ tấp nập kéo về chợ Bồ Ðề. Rồi nông dân các xã trong vùng như Hưng Công, Ðồng Du, Ngọc Lũ, Cổ Viên, An Ðề và một số xã thuộc huyện Lý Nhân, Duy Tiên cũng có mặt. 7 giờ sáng, tiếng trống đình làng Triều Hội vang lên. Chợ Bồ Ðề bừng bừng khí thế cách mạng. Ðoàn biểu tình giương cao cờ Ðảng, hát bài quốc tế ca, mặc niệm các chiến sĩ Tiền Hải bị giặc Pháp giết hại ngày 14-10 trước đó. Dòng người kéo về phía chợ An Ninh, chợ Vọc, hô vang khẩu hiệu "đả đảo Pháp đế quốc"; "Việt Nam Cộng sản Ðảng vạn vạn tuế". 12 giờ trưa, cuộc biểu tình kết thúc. Thắng lợi của cuộc đấu tranh chính trị này làm cho bọn đế quốc thực dân phải hoảng sợ. Chúng kéo quân về đóng ở đình làng, càn quét suốt một tháng trời và bắt đi 24 người. Cuộc biểu tình dừng lại ở đó, nhưng là bước tập dượt quan trọng để nhân dân nơi vùng đất kiên trung này vững tinh thần trong quá trình đấu tranh cùng nhân dân cả nước giành chính quyền.
Về Hà Nam những ngày tháng tám lịch sử, chúng tôi không khỏi xúc động bởi những câu chuyện hy sinh của bao người dân kiên cường, một lòng với Ðảng, với cách mạng. Cách Bồ Ðề không xa lắm, bên cạnh là huyện Lý Nhân đang chuẩn bị cuộc hội thảo, tri ân sự hy sinh anh dũng của 32 cụ ông và thanh niên, thiếu niên xã Nhân Nghĩa trước sự đàn áp dã man của giặc Pháp ngày 15-3- 1952.
Sau thất bại ở chiến dịch Hòa Bình, địch nống xuống càn quét khu vực đồng bằng, trong đó có Hà Nam, nhưng chúng lại sa lầy vào một cuộc chiến mới. Chúng tiến hành 20 trận càn lớn nhỏ, trong đó có trận càn vào Lý Nhân và Bình Lục từ ngày 10 đến 15-3, chúng bắn giết hàng trăm người, hãm hiếp nhiều phụ nữ. Nhân Nghĩa là xã có phong trào cách mạng, là nơi trung chuyển vũ khí, chăm sóc thương binh của ta. Nhà nào cũng có từ hai đến ba hầm cất giấu thương binh, chỉ chủ nhà mới biết. Ðêm 14-3, một người Việt phiên dịch cho Pháp mật báo: Nội đêm nay, ai trốn khỏi được làng Ðức Bản (Nhân Nghĩa) thì đi ngay; rạng sáng mai giặc sẽ càn vào làng, giết tất cả những đàn ông, để bắt thương binh. Bốn trăm đàn ông trong làng được huy động thay nhau khiêng một trăm thương binh chuyển về Bình Lục ngay trong đêm; số còn lại bị quá nặng nên phải ẩn nấp dưới hầm. Sáng 15, bọn địch lùng sục, dồn 17 cụ ông và hai thiếu niên vào nhà ông Trần Văn Dụ tra khảo bắt chỉ các hầm cất giấu thương binh, nhưng tất cả đều nói "không biết". Chúng điên cuồng như thú dữ, bắt 19 người xếp hàng rồi xả đạn; xong chúng dùng giày đinh dận từng người xem ai còn sống sót, rồi ôm rơm chất lên, châm lửa đốt. Tiếp đó, chúng dồn những người đàn ông khác đến nhà bà Nguyễn Thị Hồng và dã man bắn giết hết.
Chiều tháng 8 này, mặt trời xuống nhanh hơn. Lòng trĩu nặng, tôi thấy những ngôi nhà thôn Ðức Bản trầm mặc đến thế. Ðã gần 60 năm, ngôi nhà của ông Trần Văn Dụ, nơi giặc Pháp bắn giết 19 người gồm cả chủ nhà vẫn nguyên nền móng cũ, chỉ khác, mái lợp ngói thay rơm. Trước sân nhà là điện thờ với hai dãy bát hương. Sau khi thắp nén hương cầu an cho vong hồn những người đã khuất, tôi trò chuyện với nhiều người biết rõ sự kiện đau thương căm phẫn này: ông Trần Văn Hiểu gần 80 tuổi, con trai ông Dụ, rất may khi đó vắng nhà; ông Phạm Văn Ngự, người quản lý kho vũ khí ở xã, khi ấy may kịp trốn xuống hầm. Bà Cao Thị Ý, vợ ông Hiểu, khi đó 16 tuổi và hai năm sau sự kiện đó về làm dâu ông Dụ, là người tận mắt chứng kiến và nhớ tường tận cảnh tàn sát của địch. Bà phải bôi nhọ nồi khắp mặt, mặc rách rưới vì sợ bị chúng hãm hiếp. Vẫn ngôi nhà ấy, hai vợ chồng bà chung sống ngần ấy năm, sinh hạ 12 người con, nhưng chỉ còn chín. Thời gian đã làm cho họ già nua, nhưng hình ảnh thi thể 19 người thân trong gia đình, họ hàng lúc nào cũng như hiện lên trước mắt họ.
Hai sự kiện diễn ra ở hai làng quê, hai thời điểm khác nhau, nhưng đều xuất phát từ một điểm chung đó là lòng yêu nước, căm thù giặc. Nhớ những trang sử hôm qua, giờ đây người dân Bồ Ðề cũng như Nhân Nghĩa đang dồn sức xây đắp cho quê hương. Vẫn là những xã thuần nông, các đồng chí cán bộ hai xã nói nhiều với chúng tôi về việc làm thế nào cho bà con hết nghèo, đủ ăn, đủ tiền lo cho con cháu học hành. Theo đồng chí Nguyễn Văn Sính, Bí thư Ðảng ủy xã Bồ Ðề, nhờ chuyển đổi mạnh cơ cấu mùa vụ, nên Bồ Ðề đã đạt 52 triệu đồng/ha/năm. Xã có sáu trang trại với 27 ha, trong đó có trang trại thu nhập hơn 70 triệu đồng/ha/năm. Xã đã hoàn thành chương trình đường giao thông nông thôn năm 1988; các trường TH, THCS đều đạt chuẩn. Ðảng bộ xã năm năm qua được công nhận là xuất sắc. Ở xã Nhân Nghĩa thì chuyển mạnh sang sản xuất nông sản hàng hóa bằng cách mở rộng diện tích cây vụ đông, trồng dưa bao tử xuất khẩu, rau, bí đỏ, bí xanh, cà chua, hành, tỏi. Nhờ thế mà một ha cho thu nhập 105 triệu đồng/năm và đây là mô hình đang được nhân rộng- Bí thư Ðảng ủy xã Nguyễn Tiến Nhụ cho biết. Ðảng ủy đang thực hiện nhiều chương trình tạo việc làm cho nhân dân như dạy các nghề thêu, ren, thành lập các tổ nhóm sản xuất tiểu thủ công nghiệp.
Xưa là khí phách đánh giặc bảo vệ xóm làng, tinh thần ấy ngày nay càng cao hơn trên mặt trận xóa đói nghèo, từng bước vươn lên làm giàu của nhân dân vùng đất anh hùng này.
Theo Bắc Văn (Báo Nhân dân online)
Các tin mới hơn:
Các tin đã đưa: