Giải pháp trong bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào không bao giờ đem lại sự hoàn hảo, vẹn toàn mọi mặt. Giải pháp bỏ thi tốt nghiệp THPT mà chúng ta đang bàn cũng không phải là trường hợp ngoại lệ, cho nên cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định.
Hai năm gần đây, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của cả nước cao ngất ngưởng hơn 90%; nhiều trường, địa phương có kết quả đậu tốt nghiệp tăng vọt, có thể nói đạt sự tiến bộ "thần tốc" so với năm 2007, năm đầu tiên thực hiện chủ trương Hai không.
Trước kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT hai năm vừa rồi, nhiều người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, từng quan ngại, lo lắng về tính nghiêm túc, đồng bộ trong khâu tổ chức coi thi và chấm thi tốt nghiệp THPT, khi mà Bộ giáo dục hủy bỏ thanh tra ủy quyền của Bộ cắm chốt tại tất cả hội đồng coi thi, dù vẫn giữ tổ chức thi theo cụm, hoán đổi bài chấm thi tự luận giữa các tỉnh. Tuy nhiên, nhiều hội đồng thi vẫn có dấu hiệu buông lỏng, dễ dãi, “nới tay”... để có tỷ lệ học sinh đỗ cao.
Thấy nhiều sự bất hợp lý, trái với quy luật phát triển nảy sinh từ 2 kỳ thi Tốt nghiệp, nhất là kỳ thi Tốt nghiệp năm nay, nhiều chuyên gia quản lý giáo dục, các thầy cô tâm huyết và kể dư luận đã lên tiếng bày tỏ mối lo lắng , sự nghi ngờ thật sự về chất lượng thật của giáo dục phổ thông đến đâu trong con số tỉ lệ tốt nghiệp đẹp như mơ ấy?
Ảnh minh họa
Nhiều ý kiến, giải pháp được nêu ra. Song đáng chú ý nhất là đề nghị bỏ hẳn kỳ thi tốt nghiệp THPT, với lý do, tốn kém, lãng phí quá nhiều tiền của, công sức của Nhà nước, ngành giáo dục cũng như học sinh và phụ huynh mà hiệu quả đem lại chẳng được là bao, mỗi năm chỉ loại ra được mấy phần trăm học sinh quá yếu kém.Vì vậy, nên bỏ kỳ thi này và thay bằng hình thức xét công nhận tốt nghiệp THPT giống như bậc THCS đã thực hiện 6 năm qua.
Đề nghị đó, có nhiều người đồng tình, ủng hộ, nhưng cũng có không ít người phản đối, vì e rằng sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy tiêu cực.
Về phía lãnh đạo Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng, cho rằng: “Trên thế giới chưa có nước nào bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT (Diễn đàn Dân trí sẽ đăng bài của Nhà giáo Nguyễn Huỳnh Mai (Bỉ) về việc bỏ thi tốt nghiệp THPT ở một số nước phát triển - Chú thích của TS). Thực tế ở Việt Nam ta, có thi mới có học. Do đó, chưa thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT được. Nhưng các năm tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét, điều chỉnh lại cách thức thi tốt nghiệp cho phù hợp và đạt hiệu quả”.
Là một người trong ngành, đã có gần 20 năm trực tiếp giảng dạy- quản lý giáo dục ở bậc THPT, qua trải nghiệm thực tiễn, bình tâm suy xét, tôi nhận thấy chúng ta cần tiếp tục duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT, giống như quan điểm của Bộ GD-ĐT đã nêu trên.
Tại sao vậy? 6 năm qua, bỏ kỳ thi THCS, ta được cái gì, mất cái gì? Cái được rất dễ nhận thấy, Nhà nước, phụ huynh đỡ tốn kém một lượng công sức, tiền bạc rất đáng kể trên phạm vi cả nước. Hơn nữa, các em học sinh lớp 9, học tập khá thoải mái, nhẹ nhàng hơn, không chịu áp lực thi cử hết cấp như trước đây nữa. Nhưng cái phần mất mát của việc không thi, không phải ai cũng biết.
Ảnh minh họa
Nhìn ở góc độ nào đó, theo tôi cái mất mát còn lớn hơn cả cái được. Trước hết là thái độ, ý thức học tập của các em. Các thầy cô giáo giảng dạy ở bậc THCS ở nhiều tỉnh, có chung nhận xét: "So với trước đây, không khí dạy học của 6 năm qua, khi không thi tốt nghiệp THCS có dấu hiệu giảm sút rõ rệt. Nhiều em nảy sinh cái tâm lí chủ quan, thờ ơ, với chuyện học hành. Thầy cô, nhà trường ít có động lực để phấn đấu, ai cũng ngang bằng như nhau, vì không có cái chuẩn khách quan để đánh giá, phân loại”.
Em L.T. T, học sinh lớp 9 ( Bình Định) cho biết "Ở lớp, hầu hết bọn em chỉ chăm học hai môn toán và văn, vì là những môn thi bắt buộc trong thi tuyển sinh vào lớp 10, nếu tổ chức thi tuyển, còn các môn khác thì ghi chép, học hành sơ sơ gì đó thôi."
Thầy N.T. H, đang dạy ở bậc THCS, tỉnh QN bày tỏ: "Mới lúc đầu, chúng tôi nghĩ việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS là tốt, được nhiều thứ. Nhưng qua thực tế mới thấy, bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS có nhiều cái mất. Cái mất lớn nhất là học sinh không chịu học hành, dù đã làm mọi biện pháp”.
Chủ trương hai KHÔNG của Bộ phát động và thực hiện mấy nay qua, đã vào thời kì thoái trào, mất hết hiệu lực, “nhờn thuốc”. Các trường, các địa phương, vì nhiều lí do, mà vẫn chạy theo thành tích, cho lên lớp hết. Điều ấy, càng làm cho học sinh THCS thêm chủ quan, khinh nhờn...
Phải chăng, việc bỏ các kì thi tốt nghiệp, ở cấp 2 và cấp 3 là không phù hợp với thực tiễn giáo dục Việt Nam? Ông bà ta từng dạy những câu thấm thía về sự học: “văn ôn, võ luyện”, “ăn vóc, học hay”. Nay học sinh không làm thế thì lấy đâu “học hay”?
Phải coi học sinh ở ta cũng giống như các vận động viên vậy, có qua nhiều lần "thi đấu, cọ sát" thì mới trưởng thành, khôn lên. Nay ít thi cử, tập dượt thì thành thứ “gà công nghiệp” 100%.
Lên bậc THPT, học sinh càng học thực dụng hơn, môn chính, môn thi đại học thì học, còn môn phụ, môn không thuộc khối thi của mình thì bỏ luôn. Chúng tôi chẳng lạ gì cảnh học sinh, khi nghe Bộ công bố các môn thi tốt nghiệp vào ngày cuối tháng ba thì ngay lập tức những môn không thi, cho nó vào quên lãng: không sách, không vở, không học và không biết, nhớ cái chi nữa, thậm chí có em đã chẳng đả động đến các môn biết chắc là không thi tốt nghiệp, không thi tuyển sinh trong suốt ba năm học bậc THPT. Nói rộng ra, ngay cả nhiều người lớn là cán bộ, trí thức bây giờ cũng đã quen với khẩu hiệu “không thi không học”.
Trong khi, ngành giáo dục chưa tìm được thứ thuốc để chữa dứt điểm, triệt để căn bệnh sính thành tích, tâm lý thực dụng và nhiều yếu kém khác, thì tổ chức thi tốt nghiệp THPT vẫn là một giải pháp cần thiết.
Vấn đề cốt lõi ở đây, là phải thay đổi cách thức tổ chức thi theo hướng gọn gàng, đỡ tốn kém mà vẫn đảm bảo tính hiệu quả, nghiêm túc.
LTS Dân trí - Bàn đến những giải pháp nâng cao tính trung thực trong giáo dục có liên quan tới việc bỏ hay duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT có nhiều ý kiến khác nhau. Đa số ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi này vì vừa lãng phí thời gian vừa gây nhiều tốn kém cả về sức lực và tiền bạc, mà không phản ánh đúng kết quả thực chất của việc dạy và học. Tuy nhiên, tác giả bài trên đây không đồng tình với việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp xuất phát từ kinh nghiệm rút ra từ việc bỏ thi tốt nghiệp THCS mà hệ lụy lớn nhất phải gánh chịu cho đến nay là tình trạng lười học của học sinh vì không chịu “sức ép” thi cử và để lại những lỗ hổng kiến thức ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập sau này. Đấy là lời cảnh báo đáng quan tâm giúp cho việc cân nhắc kỹ lưỡng trước quyết định bỏ hay không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. |
Theo Hoàng Việt (Dân trí)
Các tin mới hơn:
Các tin đã đưa: