Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, tính tới thời điểm này, đã có 601 dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra ngoài lãnh thổ với tổng mức đầu tư đăng ký hơn 10 tỷ USD và vốn thực hiện đạt hơn 2 tỷ USD.
Mở rộng thị trường
Đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt đã đến 53 quốc gia, vùng lãnh thổ và hiện hướng đến nhiều thị trường khác, như châu Âu, Mỹ, Australia...
Unitel đã trở thành mạng di động số 1 của Lào cả
về thị phần thuê bao cũng như hạ tầng mạng
Tại Lào, Hoàng Anh Gia Lai là một tên tuổi nổi tiếng với nhiều dự án lớn về cao su, mía đường, thủy điện, khai khoáng… với tổng số vốn đầu tư lên tới gần 1 tỷ USD. Tại hội nghị hợp tác đầu tư Việt - Lào tại thủ đô Viêng Chăn ngày 10/9, tập đoàn này vừa ký kết biên bản ghi nhớ 4 dự án lớn với đối tác Lào.
Cũng tại Lào, Viettel là nhà đầu tư nước ngoài thành công nhất trong lĩnh vực viễn thông. Chỉ sau chưa đầy 2 năm đầu tư vào mạng di động Unitel (liên doanh của Viettel và Lao Asia Telecom), nhà mạng này đã trở thành công ty số 1 của Lào cả về thị phần thuê bao cũng như hạ tầng mạng.
Nước láng giềng Campuchia cũng là một địa chỉ đầu tư rất thành công của doanh nghiệp Việt Nam ngay trong khủng hoảng. Cũng rót vốn vào đây vào lúc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang thời kỳ khốc liệt nhất, Mobifone đã trở thành nhà cung cấp có hạ tầng mạng lớn nhất và chỉ 2 năm sau đã chiếm vị trí số 1 về thị phần thuê bao.
Một tập đoàn tư nhân khác là FPT cũng góp phần vào bức tranh viễn thông sáng sủa mà Campuchia có được nhờ các nhà đầu tư nước ngoài. FPT đã xây dựng kết nối mạng đường trục đến đường biên giới, từ đó cung cấp dung lượng cho các nhà khai thác tại Campuchia và hiện cung cấp gần 50% băng thông quốc tế đến thị trường này.
Ngoài các thị trường láng giềng, những doanh nghiệp mạnh của Việt Nam còn tìm kiếm cơ hội ở những nơi rất xa và nghèo khó như châu Phi, đặc biệt là cả ở nơi vừa xảy ra thảm họa động đất như Haiti (châu Mỹ).
Nhằm xúc tiến đầu tư vào châu Phi, tập đoàn FPT và Công ty 21st Century của Nigeria đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác chiến lược trong lĩnh vực viễn thông, giáo dục và sản xuất thiết bị.
Trong khi đó, bất chấp trận động đất làm hơn 300.000 người chết ở Haiti, Viettel đã khai trương mạng di động chỉ trong vòng hơn 1 năm xây dựng. Vào ngày khai trương 7/9, Natcom (liên doanh mà Viettel chiếm 60% vốn) đã trở thành hãng di động có hạ tầng mạng lớn nhất, với số trạm thu phát sóng lên tới gần 1.000 trạm - nhiều hơn 30% so với nhà cung cấp lớn nhất trước đó là Digicel thực hiện trong 6 năm.
Còn Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) lại vươn ra đầu tư nhà máy sản xuất sữa nguyên liệu Miraka tại New Zealand trị giá 90 triệu USD. Nhà máy, do Vinamilk chiếm 19,3% cổ phần, vừa bắt đầu hoạt động.
Tăng tính cạnh tranh
Giải thích về lý do kiên định đầu tư ra nước ngoài trong điều kiện kinh tế khó khăn, một lãnh đạo của FPT cho biết, thị trường trong nước đã dần trở nên chật chội nên đi ra nước ngoài là cần thiết để mở rộng quy mô.
Bên cạnh việc mở rộng thị trường, ngành nghề kinh doanh cũng bắt đầu mở rộng. Như việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tiếp tục góp vốn vào 24 dự án ở 17 nước trên thế giới, để khai thác dầu. Còn Hoàng Anh Gia Lai đến nay đã đăng ký đầu tư ra nước ngoài vào các lĩnh vực bất động sản, trồng cao su, khai khoáng và thuỷ điện và cũng đang có ý định tiếp tục gia tăng đầu tư. Viettel cũng dự định đến năm 2015 sẽ đầu tư trên 500 triệu USD ra nước ngoài.
Ngoài những ngành nghề truyền thống như công nghiệp năng lượng (dầu khí, điện lực, khai thác khoảng sản...), các ngành nghề như thủ công mỹ nghệ, lâm nghiệp, nông nghiệp, sản xuất thương mại, truyền thông... cũng bắt đầu bước sang nhiều thị trường nước ngoài.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đã có những kết quả khả quan và đã thu về lợi nhuận đáng kể. Năm 2010 là năm đầu tiên Viettel đầu tư ra nước ngoài nhưng Tập đoàn này đã đạt doanh thu 4.285 tỷ đồng và đạt lợi nhuận 652 tỷ đồng. Vì thế, năm 2011, Viettel đặt kế hoạch đạt gần 11.200 tỷ đồng doanh thu và 1.445 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Không phải hầu hết doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài đều có lợi nhuận sớm như Viettel, bởi những dự án đầu tư đa phần mang tính chất dài hơi. Tuy nhiên, có thể thấy, với những bước đi đầu tiên thuận lợi, có thể tin tưởng rằng những dự án này sẽ sớm phát huy hiệu quả, gia tăng sức mạnh nội tại của doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung.
Theo Công Trí - VGP News
Các tin mới hơn:
Các tin đã đưa: