Bị bại liệt từ bé nhưng với ý chí và nghị lực anh đã vượt qua tất cả để tự học và trở thành một lương y có tiếng ở vùng đất Hà Nam, một giám đốc về xây dựng. Không những vậy, anh còn tham gia tích cực nhiều công tác xã hội giúp người tàn tật vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Và tình yêu cũng đã đến với anh - Thiên diễm tình đẹp như cổ tích đó đã gây chấn động bao trái tim những người đang yêu.
Anh Trần Quang Dũng
Tự học
Đó là Trần Quang Dũng sinh năm 1982 ở Duy Tiên (Hà Nam). Từ lúc 2 tháng tuổi, một cơn sốt ác nghiệt đã khiến đôi chân Dũng bị teo tóp và hoàn toàn không cử động được. Gia đình cũng đã đưa anh đi chữa trị nhiều nơi nhưng đều vô hiệu. Năm lên 6 tuổi, nhìn chúng bạn đi học, Dũng nằng nặc đòi đi bằng được. Nhưng, bố mẹ không thể cho Dũng đến trường vì cậu vừa bị bại liệt vừa đau ốm triền miên.
Là người nhạy cảm nên Dũng buồn lắm, nhìn đôi chân tật nguyền, cậu đã nhiều lần khóc rấm rứt một mình. Bố mẹ Dũng công tác trong Khu điều dưỡng thương binh Yên Nam (Duy Tiên) nên Dũng được các cô chú thương binh hay kể cho nghe những tấm gương vượt qua số phận.
Chính những câu chuyện đó đã tác động mạnh mẽ đến ý chí và nghị lực của Dũng. Không được đến trường nhưng Dũng học ở sách giáo khoa và vở của em trai. Thật kì lạ, tự học nhưng Dũng vượt trội hơn cả em mình về các môn và chữ viết. Về chương trình phổ thông Dũng hoàn toàn nắm vững. Anh có thể giải được cả những đề toán đại học.
Đạt được thành quả ấy không hề đơn giản, Dũng đã nhiều lần chong đèn thâu đêm để học, những bài toán khó anh không ngần ngại ngồi xe lăn tự đi tìm thầy nhờ giải hộ. "Ngồi xe lăn học vất vả lắm nhưng tôi vẫn âm thầm học. Tôi nghĩ chỉ có học mới có cơ hội "giải phóng" mình. Thứ nữa, tôi tìm đến con chữ như một người bạn." - Dũng trải lòng.
Năm 17 tuổi, Dũng nghĩ phải tìm một nghề gì đó để kiếm sống, không thể sống dựa dẫm vào bố mẹ và người khác mãi được. Nhưng biết làm gì đây. Suy nghĩ mãi, cuối cùng Dũng đã chọn nghề thuốc của ông nội. Mặc dù được ông nội là một lương y nổi tiếng vùng đất Hà Nam truyền hết kinh nghiệm nhưng Dũng vẫn luôn tìm tòi nghiên cứu về y học ở sách vở và trên Intenet.
Năm 2002, anh theo học lớp Đông y do Trung ương Hội Đông y Việt Nam tổ chức tại Hà Nam để nâng cao trình độ chuyên môn. Dũng nói: "Tôi luôn tận dụng thời gian để học vì chỉ có học mới nắm bắt được nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong Đông y".
Thiên diễm tình chấn động trái tim những người đang yêu
Những năm tháng một mình miệt mài đèn sách, Trần Quang Dũng đã gặp Lê Thị Mai Duyên. Chẳng biết tiếng sét ái tình hay cảm phục người con trai giàu nghị lực vượt lên số phận mà cô gái đẹp người đẹp nết làng Chuông đã đem lòng yêu mến anh.
"Tôi yêu Duyên ngay từ lúc gặp đầu tiên dưới tán đa đầu làng. Tôi yêu âm thầm như vậy rất lâu mà không dám nói ra. Khi biết Duyên cũng yêu mình, tôi thấy hạnh phúc vô cùng. Đó là động lực mạnh mẽ để tôi phấn đấu. Nhưng khi Duyên nói muốn kết hôn với mình thì tôi bật khóc. Cô ấy đẹp người đẹp nết sẽ lấy được nơi đàng hoàng, chứ lấy mình cô ấy sẽ chịu nhiều thiệt thòi mất mát. Nhưng có lẽ ông trời sinh tôi và Duyên ra là để dành cho nhau nên chúng tôi đã quyết định đi đến hôn nhân" - Dũng tâm sự.
Trước ngày cưới là "cuộc chiến" tâm lý trong gia đình Duyên. Bố mẹ nhất định khước từ chuyện cô kết duyên với Dũng. Khuyên can có, thủ thỉ tâm sự có, phân tích mất mát, thiệt thòi có, và dọa "từ mặt" cũng có. Lúc đầu, Duyên chỉ khóc, chỉ biết van xin, nhưng cuối cùng cô kiên quyết: "Dù thế nào con vẫn sẽ lấy anh Dũng. Suốt đời này, con chỉ yêu và kết hôn cùng anh ấy. Con hứa sẽ sống hạnh phúc, xin bố mẹ hãy tha thứ cho con gái tội bất hiếu...".
Biết không thể ngăn cấm được, bố mẹ Duyên đành chấp nhận. Lễ cưới của đôi trẻ được tổ chức vào cuối năm 2003 đã làm xôn xao cả tỉnh Hà Nam. Người đến dự chật kín sân, tràn ra cả ngoài đường, trong đó hơn nửa là khách không mời. Mấy ngày sau đám cưới vẫn có người đến tặng quà, chúc phúc. Chị Mai Duyên tâm sự: "Tình yêu đã giúp cho em vượt qua mọi rào cản để đến với anh Dũng. Từ khi lấy nhau đến giờ em không bao giờ mặc cảm mà luôn cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào khi có một người chồng hết mực yêu thương vợ con; có ý chí và nghị lực phi thường để vươn lên trong cuộc sống".
Hiện nay cuộc sống vợ chồng Dũng rất hạnh phúc, họ đã có với nhau 2 đứa con, cháu gái đầu lên 5 tuổi và cháu trai thứ gần 2 tuổi rất khỏe mạnh, đẹp như tranh vẽ. Chính người vợ hiền đảm đang là hậu phương vững chắc để Dũng phấn đấu vượt lên số phận, làm đẹp cho đời và cho mọi người.
Kì tích
Học xong lớp Đông y do Trung ương Hội Đông y Việt Nam tổ chức, Dũng trở về mở phòng khám và tham gia công tác tại Hội Đông y Duy Tiên. Phòng khám của Dũng mở lúc đầu chẳng mấy người đến vì họ không tin tưởng vào anh chàng ngồi xe lăn. Nhưng qua thời gian, uy tín của Dũng ngày một nổi như cồn về tài khám bệnh và bốc thuốc.
Gia đình anh Trần Quang Dũng
Tiếng lành đồn xa, không những người ở trong tỉnh mà ở những tỉnh khác như Thanh Hóa. Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An cũng tìm đến. Phòng khám của anh những ngày cao điểm lên đến 200 người đến khám. Thu nhập từ nghề bốc thuốc cũng khá cao nhưng khát vọng muốn vươn lên khẳng định chính mình đã thôi thúc chàng trai này đột phá thêm một bước mới trong lĩnh vực xây dựng.
Qua những năm tháng tích lũy vốn liếng và vay mượn thêm của anh em bạn bè, ngày 5/12/2009, Dũng đứng ra thành lập Công ty TNHH Trần Quang chuyên san lấp công trình do anh làm giám đốc. Qua 2 năm hoạt động, công ty của Dũng làm ăn khấm khá, tạo công ăn việc làm cho 11 nhân công với mức lương từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Đó là 2 kì tích mà chàng trai tật nguyền này lập được.
Dũng chia sẻ: "Làm một lúc 2 việc cũng rất vất vả nhưng biết sắp xếp một cách có khoa học thì làm được mọi thứ. Tôi chủ yếu điều hành qua điện thoại và thư điện tử. Điều quan trọng nữa là tôi có được một người vợ đảm đang và những người cộng sự giỏi".
Không chỉ có vậy, anh còn tham gia nhiều công tác xã hội, kết nối những người khuyết tật đến với nhau và có tác động tích cực đối với xã hội: Đề án thành lập Hội người khuyết tật Hà Nam năm 2006 chính anh là người xây dựng. Đây là hội người khuyết tật cấp tỉnh đầu tiên trên toàn quốc. Và Trần Quang Dũng vinh dự được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội.
Cùng với Ban chấp hành Hội, Dũng đã thành lập được Hội Người khuyết tật ở 4 huyện trong tỉnh với hơn 350 hội viên. Hội đã làm được nhiều việc làm có hiệu quả như tạo việc làm cho hội viên; Động viên chia sẻ, giúp nhau vươn lên trong cuộc sống hoà nhập cộng đồng... Hiện, Trần Quang Dũng còn là ủy viên Ban vận động Liên hiệp Hội Người khuyết tật Việt Nam, Uỷ viên Ban vận động thành lập Liên hiệp hội thanh niên khuyết tật Việt Nam, ủy viên ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Nam khóa XIII - XIV.
Theo Tiến Dũng (Báo Người đưa tin online)
Các tin mới hơn:
Các tin đã đưa: