“Trong bài này, chỉ xin nói về kinh nghiệm nuôi dạy các con tôi và mạo muội góp ý vào diễn đàn về việc chăm lo cho con em chúng ta trước khi vào lớp 1”, độc giả Nguyễn Huỳnh Mai từ Liège (Bỉ) chia sẻ.
"Xin thưa thêm là các con tôi được sự chăm sóc và nuôi dạy có tình có lý (có cơ sở khoa học) đều cảm thấy thoải mái, hạnh phúc và từng bước trưởng thành khiến cho cha mẹ thấy vui và có thể tự hào về sự thành đạt của chúng."
1. Nuôi con tử thuở... còn trong bụng mẹ
Từ lúc chuẩn bị mang thai cháu đầu, vốn hoàn toàn mù tịt về cách nuôi dạy trẻ, tôi “ngấu nghiến” hết tất cả những sách khoa học (chứ không phải những báo chí không kiểm chứng) về thai nghén, dưỡng nhi, Y khoa nhi đồng, tâm lý nhi đồng, ... mà tôi có thể tìm thấy trong thư viện thành phố nơi tôi ở.
Học chỗ này một tí, chỗ kia một ít, lần mò vạch cho chính bản thân một lối đi giữa những trường phái khác nhau. Nhờ chuẩn bị thế, khi các con tôi chào đời, tôi đã có thể theo dõi lịch phát triển cân đo, tâm lý và vận động của các cháu. Thậm chí còn biết kích thích và khuyến khích sự phát triển theo “sách vở” nữa. Đồng thời biết tôn trọng cá thể của mỗi cháu.
2. Đại đa số các em đều có thể là thần đồng
Trong một sách mà tôi đã “ngấu nghiến”, giáo sư Albert Jacquard, một nhà di truyền học người Pháp, bảo rằng trừ vài trường hợp hiếm hoi, tất cả trẻ đều có khả năng thông minh. Nhưng cái thông minh này chỉ thành hiện thực trong một môi trường thích hợp.
“Sự thật” này làm tôi rất yên tâm: các con tôi đều có khả năng giỏi, tôi chỉ việc giúp chúng có môi trường sống. Tức là giúp các cháu thoả mãn các nhu cầu tâm sinh lý: ăn đủ chất, ngủ đủ giờ, chơi phải lúc, phơi nắng mỗi ngày - ở Bắc Âu rất ít mặt trời - thường các cháu “đủ liều” (vì ai đó nói “sinh tố A – tức là Amour (tình yêu)– là một thứ sinh tố giúp các cháu ít khóc vặt và phát triển hài hòa” mà hiện qua kinh nghiệm bản thân, tôi khẳng định điều ấy), để các cháu phát triển trí tuệ...
3. Các nhu cầu của trẻ
Ngủ đủ giờ trong quỹ thời gian : 16-18 giờ ngủ mỗi ngày lúc mới chào đời, 10-12 giờ mỗi ngày ở bậc tiểu học. Vì trong lúc ngủ, não của các cháu làm việc tích cực, tổ chức trí nhớ và phát triển các dây liên hoàn.
Ảnh minh họa (nguồn: internet)
Ở độ 4-5 tuổi các cháu cần ngủ ít nhất 12 giờ mỗi ngày, lại cần chơi khoảng 4 giờ nữa, còn lại 2 giờ cho sinh hoạt cơ thể (ăn uống, tắm rửa, vệ sinh), 4 giờ cho sinh hoạt gia đình (xin đừng quên sinh tố A - Amour - tình yêu ). Chơi và ngủ rất quan trọng, nên trường mầm non phải là “trường chơi” chứ không phải “trường học”.
(Dĩ nhiên, có những thời gian trong đó ta có thể làm nhiều việc cùng lúc - vừa chơi vừa sinh hoạt gia đình, hoặc vừa ăn uống vừa sinh hoạt gia đình,...).
Còn lại 2 giờ đấy, nếu các bậc cha mẹ muốn cho con học tiếng Anh, học chữ,...thì vẫn được nếu không gây áp lực cho cháu.
Làm sao biết là các cháu không bị áp lực? - Một trắc nghiệm dễ thực hiện : nếu các cháu thoải mái, trước và sau khi tắm, lúc không có quần áo trên cơ thể, nhảy tung tăng chứ không nhăn nhó vì mệt mỏi là các cháu khỏe khoắn trong mình và thấy thoái mái, sung sướng về tinh thần.
Ăn đúng chế độ : với ba cháu ở ba cỡ tuổi khác nhau trong nhà, nhiều khi tôi đã phải làm 3 thực đơn khác nhau và thậm chí có khi bố của chúng cũng phải ăn trái cây nghiền cho món tráng miệng! Chất bột, chất đạm, sữa, đường, vitamine ... tôi đã là chuyên viên dinh dưỡng của cả nhà. Ăn ngủ điều độ, vệ sinh tốt, trẻ sẽ ít bệnh tật, phát triển hài hòa hơn và tâm lý tốt hơn.
Nhu cầu tình cảm cũng cần như ăn và thở. Các cháu hăng hái học đi, tập nói ... cái chính là để làm vui lòng cha mẹ, để được cha mẹ thương. Hầu như trước 3 tuổi cháu nào cũng “tự đồng hòa mình” với mẹ hay với cha. Cha mẹ mà đón và ôm ấp con thì bé sẽ không cảm thấy bị ruồng rẫy. Thông thường một trẻ không thiếu yêu thương sẽ “tình nguyện” rời cha mẹ, đi ngủ mỗi tối, không phản đối.
Được thương yêu các cháu sẵn sàng “đội đá vá trời” để làm theo ý cha mẹ. Hiểm nguy là ở đó : Nhiều khi cha mẹ không cảm nhận được sự “áp đảo” của mình, cái “bó buộc” mà mình bắt con phải theo vì cái ngoan ngoãn ấy của cháu bé.
Nhu cầu chơi. Có một giáo sư khác, trong một sách mà tôi đã thuộc nằm lòng, lại định nghĩa rằng “thông minh là khả năng chơi”. Chơi với cha mẹ, chơi với bạn và chơi một mình. Đồ chơi chỉ là phụ thuộc. Nhiều khi một trẻ có ít đồ chơi sẽ phát triển sáng tạo nhiều hơn để chơi, chơi trong trí tưởng tượng và thành thông minh nhờ thế.
Nhưng chơi là một nhu cầu bất khả xâm phạm. Chơi với cha mẹ là món quà tốt nhất mà trẻ nhận được từ gia đình. Chơi với bạn để tập tành kỹ năng sống với người khác. Chơi một mình để tạo cá tính và nhân cách của mình, để phát triển sức sáng tạo. Tôi có thói quen tôn trọng thời gian chơi của con và khi cần thì nhắc khéo chúng là “chúng ta sẽ ăn cơm, hay đi tắm ... trong 5 hay 10 phút nữa” để chúng tổ chức thì giờ của chúng.
Và một số nhu cầu khác trừu tượng hơn như: nhu cầu được kính trọng, nhu cầu được sống bình an, nhu cầu được tôn trọng cảm xúc của mình ... Chúng tôi đối thoại với nhau mỗi ngày (nhà chúng tôi không có TV là để cha mẹ và con cái cùng nói chuyện với nhau thay vì cùng nhìn truyền hình). Các cháu, qua đối thoại, kính trọng cha mẹ, vâng lời mà không cần một chế tài nào cả.
4. Trước khi vào lớp 1?
Sở dĩ tôi đã dài dòng kể những chuyện trên vì việc học trước lớp 1 liên hệ chặt chẽ đến nhu cầu và sự phát triển của trẻ. Riêng cá nhân tôi đã không cho các con tôi học trước lớp 1.
Vì sao các nước đều qui định trẻ em được “khai tâm” vào năm 6 tuổi ? Vì thông thường, cho đại đa số các cháu, lúc ấy là lúc thuận tiện nhất, não đủ chín chắn (mature) để học và học tốn ít công nhất. Mỗi phát triển có thời dụng biểu của nó. Không ai bắt một bé tập đi lúc 7-8 tháng. Trước đó các cháu cũng học được nhưng học chậm hơn, học cực hơn. Tiếng Pháp có thành ngữ “Trước giờ, chưa phải lúc. Sau giờ, hết phải lúc”.
Nếu các cháu phải học trước 6 tuổi nhưng các nhu cầu khác đều được thỏa mãn thỏa đáng thì quá trình khai tâm chỉ tốn công hơn thôi. Nhưng nếu vì học sớm mà phải hi sinh không thỏa mãn các nhu cầu khác, thì sự học có thể sẽ thành một áp lực với các cháu, có thể làm mệt các cháu và có thể là nguyên nhân cho nhiều khó khăn khác sau này.
Cách đây 30 năm, một số nhà tâm lý ghi nhận giả thuyết “áp lực học” như giải thích tỉ lệ thiếu niên Nhật Bản tự tử. Thận trọng, tôi nói “có thể là nguyên nhân cho nhiều khó khăn khác sau này” vì chỉ là lý luận thôi, chưa có nghiên cứu kiểm chứng. Nhưng một nghiên cứu về đề tài này khó thực hiện được vì không thể dùng trẻ như một vật thí nghiệm. Phải nghiên cứu chẳng hạn 1000 trẻ học đọc học, viết, học toán trước khi vào lớp 1 rồi so sánh với 1000 cháu khác không học trước và theo dõi các cháu trong 30 năm - Lý do đạo đức không cho phép thực hiện một công trình như thế.
5. Thêm một sinh ngữ?
Nhưng khả năng phát triển hòa đồng và phát triển không gò bó nơi trẻ em thì rất lớn. Một cháu bé từ lúc lọt lòng mẹ ở trong môi trường hai ngôn ngữ, cháu sẽ giỏi cả hai ngôn ngữ một cách tự nhiên.
Vấn đề này tôi hoàn toàn đồng ý. Phương thức này là phương thức xã hội hóa chứ không phải phương thức học. Nó không cần vận dụng toàn phần của não như lúc trẻ học ở trường.
Cho trẻ nói thêm tiếng Anh là một điều khả thi với điều kiện là môi trường cháu nói hai thứ tiếng. Với điều kiện là thêm một vài dè dặt khác, chẳng hạn như cho trẻ những “điểm cố định” giúp cháu định hướng (thí dụ mẹ nói một thứ tiếng, bố nói tiếng khác và giữ cái “luật” đó để cháu “hiểu hoàn cảnh”).
Nhưng nói hai thứ tiếng khác với học thêm một sinh ngữ.
Trở lại chuyện riêng?
Bây giờ dù tự lập từ lâu nhưng các con tôi có vẻ ... bằng lòng với thời trẻ thơ và niên thiếu của chúng được sống dưới mái nhà cùng cha mẹ. Hiện chúng dạy con của chúng, khác cách chúng tôi, nhưng cũng có những nguyên tắc cơ sở hao hao giống...
LTS Dân trí - Ai cũng muốn nuôi dạy con nên người nhưng không phải ai cũng biết cách chăm sóc con một cách hợp lý và khoa học để đạt được kết quả mong muốn. Tác giả bài viết trên đây đã dày công đọc nhiều loại sách có liên quan với những hiểu biết cần thiết để nuôi con khỏe mạnh và tạo ra môi trường sống phù hợp với lứa tuổi trẻ em, giúp các em luôn sống thoái mái, được vui chơi và học hỏi một cách tự nhiên để từng bước trưởng thành dần về mọi mặt. Chắc chắn những kinh nghiệm nuôi dạy trẻ thể hiện qua bài viết trên đây sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích đối với các bậc cha mẹ, nhất là đối với các bà mẹ trẻ. |
Theo Nguyễn Huỳnh Mai - Dân trí (Nguồn: Liège Bỉ)
Các tin mới hơn:
Các tin đã đưa: