Ngay cả khi lãi suất cho vay tất cả các DN, không phân biệt loại hình hoạt động về mức trên 17%/năm, thì cũng chỉ có khoảng 46% các DNNY có thể sống khỏe với mức lãi suất kỳ vọng trên.
Ngân hàng Nhà nước cùng các ngân hàng thương mại đang ráo riết phối hợp đưa mặt bằng lãi suất cho vay xuống 17 - 19%/năm và thực tế, những biểu lãi suất thấp hơn so với vài tháng trước đây đã bắt đầu xuất hiện trên thị trường ngân hàng. Liệu các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) sẽ được hưởng lợi từ điều này?
Ảnh minh họa
Thống kê cho thấy, ngay cả khi lãi suất cho vay tất cả các DN, không phân biệt loại hình hoạt động về mức trên 17%/năm, thì cũng chỉ có khoảng 46% các DNNY có thể sống khỏe với mức lãi suất kỳ vọng trên.
Theo Stoxplus, nếu tính theo KQKD 6 tháng đầu năm 2011 mà các DN đã công bố, chỉ có 47 DN có hệ số thu nhập trên vốn đầu tư (ROIC) trên 17%, 69 đơn vị có hệ số thu nhập trên vốn sử dụng (ROCE - không tính nợ ngắn hạn) trên 19%. Điều này có nghĩa là, nếu lãi suất cho vay giảm về mức 17%/năm đối với vốn vay ngắn hạn, 19%/năm đối với vốn vay trung và dài hạn thì vẫn còn khoảng trên 450 DNNY vẫn vất vả với chi phí vốn, nhất là các DN vay nợ lớn. Thống kê dữ liệu các năm gần đây cho thấy, để đa phần các DNNY có lãi, thì mức lãi suất 14%/năm được cho là hợp lý.
Trong 6 tháng đầu năm vừa qua, nhiều DN đã phải chi phần lớn thu nhập của mình cho việc trả lãi vay, trong đó tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản và vật liệu xây dựng (như thép, xi măng). Thống kê của Stoxplus cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, có những doanh nghiệp phải chi đến gần 400 tỷ đồng cho chi phí lãi vay như Hoà Phát - HPG (gần 396 tỷ đồng), Xi măng Hà Tiên - HT1 (gần 396 tỷ đồng), Vincom - VIC (gần 385 tỷ đồng), Vinaconex - VCG (337 tỷ đồng). Với trường hợp của Hòa Phát, một doanh nghiệp có quy mô lớn thì vay lãi nhiều là điều dễ hiểu, nhưng trường hợp của HT1 thì khác. Chi phí lãi vay đã khiến DN này làm lụng cả 6 tháng chỉ đủ để bù đắp chi phí, đẩy lợi nhuận trước thuế 6 tháng về mức khiêm tốn, chưa được 600 triệu đồng.
Thống kê của 512 DNNY đã có dữ liệu, tổng chi phí lãi vay phải trả 6 tháng đầu năm đã lên tới 9.380 tỷ đồng. Trong khi đó, dữ liệu tài chính 2 năm 2009, 2010 của 699 DNNY hiện nay cho thấy, tổng chi phí lãi vay trong hai năm này của các DNNY lần lượt là 8.117 tỷ đồng và 14.483 tỷ đồng.
Chỉ cần chi phí lãi vay giảm 1%, các DN có thể sẽ tiết kiệm được gần 230 tỷ đồng trong 3 tháng cuối năm nay. Nếu mức lãi suất vay vốn giảm về mức 17 - 19%, tương đương mức giảm 3 - 5% chi phí trên mỗi đồng vốn, mức tiết kiệm chi phí lãi vay của các DNNY trong quý IV/2011 là khoảng 700 tỷ đồng đến hơn 1.000 tỷ đồng.
Điều đáng nói là, dù chi phí vốn vay tăng lên, nhưng dư nợ vay thực tế của DN lại giảm. Thống kê cho thấy, tổng dư nợ nhóm này năm 2009 là 382.626 tỷ đồng, năm 2010 là 498.760 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2011 giảm về chưa đến 300.000 tỷ đồng. Có 2 nguyên nhân giải thích cho hiện tượng này. Một là nhiều DN co cụm hoạt động chờ đến khi kinh tế vĩ mô tốt hơn và hai là DN tìm cách tăng vốn chủ sở hữu để thay thế cho vốn vay. Việc tăng vốn diễn ra mạnh nhất vào năm 2007, 2008 để lại hậu quả không nhỏ cho DN và TTCK, khi các DN phình to cơ cấu vốn chủ sở hữu, mà không đi kèm với hiệu quả.
Điểm sáng của các DNNY trong 6 tháng đầu năm 2011 chủ yếu nằm ở các DN ngành thủy sản, cao su tự nhiên, dược phẩm và thực phẩm. Tuy nhiên, những DN này đa phần đều có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu khá khiêm tốn, chủ yếu ở mức dưới 1 lần, nhiều DN dưới 0,5 lần, nên ảnh hưởng của hạ lãi suất đến các DN này dù tích cực, nhưng không phải là rõ rệt như đối với các DN sử dụng nhiều vốn vay.
Trong khi đó, những DN thuộc nhóm bất động sản, vật liệu xây dựng - đa phần sử dụng nhiều vốn vay, lại chịu tác động kép từ cả đầu vào - lãi vay cao, lẫn đầu ra - tiêu thụ giảm.
Tiêu thụ sản phẩm giảm chính là yếu tố khiến hệ số thu nhập trên vốn của nhiều DN đạt thấp. Chẳng hạn, tại CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB), quý II/2011, doanh thu của Công ty sụt giảm về mức hơn 79 tỷ đồng, trong khi 4 quý trước đó đều trên 100 tỷ đồng, nhưng chi phí lãi vay vẫn phải chịu mức hơn 2,6 tỷ đồng, nhích hơn so với các quý trước của năm 2010. Đây là tình trạng chung của đa số DN bất động sản khi lãi vay bị đội lên, sản phẩm không bán được hoặc khó bán.
Ngay trường hợp CTCP Tập đoàn Hòa Phát, dù tổng nợ phải trả cuối quý II/2011 chỉ tăng 1.700 tỷ đồng so với cuối năm 2010, từ mức 8.182 tỷ đồng lên 9.878 tỷ đồng, tương đương mức tăng 20,83%, nhưng chi phí lãi vay "đội" lên từ mức gần 143 tỷ đồng trong quý IV/2010 lên 205,5 tỷ đồng trong quý II/2011, tương đương mức tăng 43,83%. Rõ ràng, nếu chi phí vốn vay hạ xuống, thì kết quả kinh doanh của Hòa Phát 6 tháng đầu năm sẽ không chỉ dừng lại ở mức gần 900 tỷ đồng lợi nhuận.
Lâu nay, điều mà các NĐT trên TTCK quan tâm là vấn đề khi nào lãi suất vốn vay ngân hàng giảm để các DN có thể "sống" tốt hơn. Nhưng ngay cả khi lãi suất giảm xuống như kịch bản mà Thống đốc NHNN đưa ra, vẫn chỉ có khoảng 46% DN có thể kinh doanh có lãi.
Theo Bùi Sưởng (ĐTCK Online)
Các tin mới hơn:
Các tin đã đưa: