Nhiều năm qua, chúng ta đã bàn đến việc nên hay không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vấn đề này đặc biệt “nóng” lên trong thời gian gần đây, khi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2010 - 2011 vừa kết thúc.
>> Bỏ thi tốt nghiệp THPT được nhiều hơn mất
>> Được và mất khi bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT?
>> Châu Âu có nhiều cách kiểm định trình độ không cần thi
>> Kỳ thi tốt nghiệp đã đi qua, hệ lụy còn ở lại
Sức ép thi cử
Theo luồng ý kiến này, nếu bỏ thi có thể dẫn đến những hậu quả sau:
Vì nguyên nhân chủ yếu của việc học tập hiện nay của học sinh không phải do tinh thần tự giác, mà chủ yếu do sức ép của kết quả thi cử. Do đó, nếu bỏ thi TN sức ép thi cử không còn, các em sẽ không chịu học.
Khi bỏ thi TN, không chỉ học sinh không nỗ lực học tập, mà cả giáo viên cũng sẽ không nỗ lực dạy học, làm cho chất lượng dạy học giảm sút vì không chịu sức ép của kết quả thi cử.
Mặt khác, nếu bỏ kỳ thi TN trong khi vẫn giữ kỳ thi đại học và cao đẳng sẽ dẫn đến việc học sinh, nhà trường, gia đình chỉ tập trung vào việc dạy và học những môn thi đại học và cao đẳng. Cũng vì thế càng đẩy tới việc dạy lệch, học lệch và dạy tủ, học tủ.
Vì những nguyên nhân kể trên, cho nên duy trì kỳ thi TN là cần thiết. Vấn đề đặt ra là phải tổ chức kỳ thi làm sao cho kết quả của nó phải đánh giá được đúng thực chất.
Đánh giá thực chất
Tổ chức kỳ thi TN mục đích là nhằm vừa yêu cầu, vừa bắt buộc giáo viên và học sinh phải tổ chức hoạt động dạy và học làm sao cho đạt được một kết quả nhất định khi kết thúc bậc học phổ thông.
Thi TN tạo nên một thái tâm lý căng thẳng đối với học sinh, nhà trường, gia đình, xã hội (nguồn ảnh: internet)
Nhưng mục đích nói trên không đạt được vì kết quả thu được từ kỳ thi TN đánh giá không đúng thực chất. Trong khi đó chúng ta lại phải trả giá cho kỳ thi TN không đúng thực chất ấy như sau:
-Thi TN tạo nên một trạng thái tâm lý cực kỳ căng thẳng đối với học sinh, nhà trường, gia đình, xã hội.
-Tiêu tốn một nguồn tài lực và vật lực không hề nhỏ.
Thêm nữa, trong một thời gian dài, các kết quả không đúng thực chất vẫn được dùng làm căn cứ, tiêu chuẩn đánh giá. Làm cho sự giả dối, hình thức ngày càng phát triển lan tràn cả về bề rộng lẫn bề sâu vào trong nhà trường, gia đình, xã hội. Điều này gây nên những hậu quả khôn lường đối với sự phát triển, tiến bộ của đất nước.
Nếu bỏ thi TN sẽ mang lại những lợi ích sau: - Tránh được sự căng thẳng giả tạo không đáng có. - Tiết kiệm nhân lực tài lực cho xã hội. - Đánh giá được học sinh chính xác hơn, toàn diện hơn, cả trình độ học vấn nói chung và tư cách đạo đức. - Giải quyết được một số bệnh nan y trong GD hiện nay, nhất là căn bệnh thành tích. - Giải phóng ý thức tự giác, chủ động, sáng tạo của giáo viên, học sinh trong hoạt động dạy và học để hướng tới cách thức GD của những nền GD tiên tiến trên thế giới. Nhưng vấn đề đặt ra là nếu bỏ thi TN thì cần phải có các biện pháp đồng bộ, hợp lý để đảm bảo cho giáo viên và học sinh thực hiện cách dạy và học ngày càng tiến bộ; tránh nguy cơ dạy lệch, học lệch. |
Cho nên, đến đây đặt ra hai sự lựa chọn:
1- Cần phải chấn chỉnh việc thi TN để thu được kết quả phản ánh đúng thực chất trình độ học vấn của học sinh cũng như kết quả dạy và học.
2- Bỏ thi kỳ thi tốt nghiệp và thay bằng hình thức xét tốt nghiệp.
Về lựa chọn thứ nhất: Chấn chỉnh hoạt động thi TN. Việc này ngành GD đã loay hoay chấn chỉnh hàng chục năm nay nhưng vẫn chưa làm được. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng có một nguyên nhân quan trọng là việc buông lỏng các khâu trông thi và chấm thi để học sinh đỗ tốt nghiệp cao, thì dường như hợp “khẩu vị” quen thuộc của “căn bệnh thành tích”.
Về lựa thứ 2: Cần phải giải quyết được các vấn đề mà những người ủng hộ việc duy trì thi TN đưa ra.
Về lập luận cho rằng khi bỏ thi TN, học sinh và giáo viên sẽ không dạy học tốt do không phải chịu sức ép của kết quả thi cử... là một cách nhìn phiến diện.
Vì như chúng ta biết, nếu lấy sức ép thi cử làm biện pháp để đảm bảo chất lượng dạy và học của giáo viên và học sinh, thì biện pháp này không phải lúc nào cũng có hiệu quả. Như chúng ta thấy sức ép thi cử của nền GD nước ta mấy chục năm qua ngày càng nặng nề, nhưng chất lượng GD lại ngày càng đi xuống.
Chúng ta nên thay thế việc đánh giá chỉ tập trung vào một kỳ thi TN, mà nên thay thế bằng sự kiểm tra thường xuyên và định kỳ trong suốt quá trình học tập (lớp10, 11 và 12) để đánh giá đúng trình độ học vấn có thật của mỗi học sinh khi kết thúc bậc học phổ thông.
Nền nếp dạy - học
Muốn làm được điều này thì cần lập lại nền nếp dạy và học; thầy giáo cũng cần nghiêm túc hơn trong việc cho điểm. Cần tăng cường việc giám sát, thanh tra của các cấp quản lý giáo dục đối với nền nếp dạy và học cũng như việc đánh giá, cho điểm học sinh có đúng thực chất hay không.
Nếu bỏ thi TN, liệu học sinh và giáo viên sẽ không dạy học tốt do không phải chịu sức ép của kết quả thi cử...?(Nguồn ảnh: internet)
Đó là chưa nói đến việc: Khi lấy sức ép thi cử làm động lực cho hoạt động dạy học của giáo viên và học sinh sẽ sinh ra những hệ quả xấu như: bệnh thành tích, hình thức, đối phó...
Về lập luận cho rằng: Nếu bỏ thi TN dẫn đến hiện tượng tiêu cực là dạy lệch học lệch, dạy tủ học tủ do chỉ tập trung chủ yếu cho việc thi đại học.
Đây là nguy cơ có thể xảy ra chứ không phải chắc chắn là sẽ xảy ra. Vì nếu bỏ thi TN, Bộ GD sẽ phải có những chính sách, biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ nói trên. Hơn nữa việc xét tốt nghiệp là căn cứ vào kết quả học tập của nhiều môn chứ không chỉ tập trung vào các môn thi đại học.(**)
Thêm nữa, về lâu dài, khi điều kiện cho phép thì có thể bỏ cả thi đại học, mà lại xét tuyển. Khi đó vấn đề dạy lệch học lệch, dạy tủ học tủ vì lí do thi đại học lại càng dễ giải quyết.
Tóm lại, nếu bỏ thi TN sẽ mang lại những lợi ích sau:
-Tránh được sự căng thẳng giả tạo không đáng có.
-Tiết kiệm nhân lực tài lực cho xã hội.
-Đánh giá được học sinh chính xác hơn, toàn diện hơn, cả trình độ học vấn nói chung và tư cách đạo đức.
-Giải quyết được một số "bệnh nan y" trong GD hiện nay, nhất là "căn bệnh thành tích".
-Giải phóng ý thức tự giác, chủ động, sáng tạo của giáo viên, học sinh trong hoạt động dạy và học, để hướng tới cách thức GD của những nền GD tiên tiến trên thế giới.
Nhưng vấn đề đặt ra là nếu bỏ thi TN thì cần phải có các biện pháp đồng bộ, hợp lý để đảm bảo cho giáo viên và học sinh thực hiện cách dạy và học ngày càng tiến bộ; tránh nguy cơ dạy lệch, học lệch.
(*), (**) : Xem bài Châu Âu có nhiều cách kiểm định trình độ không cần thi của tác giả Nguyễn Huỳnh Mai đăng trên Dân Trí.
LTS Dân trí - Bài viết trên đây phân tích khá rõ lập luận của cả hai phía ủng hộ và không ủng hộ việc duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT trong điều kiện và tình hình thực tế hiện nay của nước ta. Cân nhắc đầy đủ cả mặt lợi và mặt bất lợi của từng giải pháp một cách khách quan và thấu đáo để tìm ra giải pháp có lợi nhất trong tình hình thực tế của nước ta, đó là trách nhiệm tối hậu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mong rằng Bộ GD-ĐT làm hết trách nhiệm của mình, chọn giải pháp đúng đắn để lập lại nền nếp của môi trường giáo dục cũng như việc đánh giá kết quả dạy và học dựa trên những căn cứ khoa học, khách quan đáng tin cậy. Từ đó khắc phục từ gốc sự tái phát của căn bệnh thành tích, vốn là nguy cơ làm suy thoái nền giáo dục nước ta. |
Theo Ngô Hà Giang (Dân trí)
Các tin mới hơn:
Các tin đã đưa: