Hôm nay, 17/10, tại TP Vinh (Nghệ An), “Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các tỉnh Bắc Trung Bộ” được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND các tỉnh Bắc Trung Bộ tổ chức.
Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: đồng chí Nguyễn Thế Trung - Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Vương Đình Huệ - Bộ trưởng Bộ Tài chính; bà Vitoria Kwa Kwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam; ông Kimura - Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam.
“Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các tỉnh
Bắc Trung Bộ” khai mạc hôm nay, 17/10
Đây là Hội nghị cấp quốc gia với hơn 1.000 đại biểu tham dự, trong đó có gần 20 đại diện đại sứ quán các nước tại việt Nam và tổ chức quốc tế, hơn 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đây cũng là cơ hội để các nhà quản lý, các doanh nghiệp và các chuyên gia gặp gỡ, đối thoại, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại 6 tỉnh Bắc miền Trung.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc tổ chức hội nghị lần này. Phó Thủ tướng cũng lưu ý lãnh đạo các địa phương, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp cần tăng cường liên kết vùng, kết cấu kinh tế, nên tập trung một số khu vực, tránh dàn trải. Đặc biệt, các tỉnh cần đổi mới tư duy trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước nhằm phát huy tiềm năng của khu vực để có bước phát triển nhanh hơn.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hồ Đức Phớc cho biết, Khu vực Bắc Trung Bộ gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế được ví như đòn gánh hai đầu đất nước, có bề dày truyền thống lịch sử lịch sử, văn hóa, nơi hội tụ đầy đủ các điều kiện để thu hút đầu tư như vị trí địa lý, có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, tài nguyên thiên nhiên phong phú… Nếu được khai thác có hiệu quả sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng kinh tế của khu vực và của cả nước.
Trong những năm qua, khu vực Bắc Trung Bộ có bước tăng trưởng khá, tốc độ đạt tương đối cao khoảng 10%, đã thu hút được vốn đầu tư trong và ngoài nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từng bước cải thiện, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, các tỉnh Bắc Trung Bộ vẫn là những tỉnh nghèo, thực trạng thu hút đầu tư các tỉnh còn hạn chế, nhất là thu hút trực tiếp đầu tư nước ngoài. Do vậy, các tỉnh Bắc Trung bộ mong muốn thu hút mạnh mẽ đầu tư của các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, bất cập mà các tỉnh Bắc miền Trung gặp phải trong quá trình định hướng đầu tư là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản và tập trung; thực trạng thu hút đầu tư không đồng đều; thiếu các vùng phát triển phụ trợ quanh các dự án FDI lớn...
Trong khi đó, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho rằng các tỉnh trong khu vực Bắc miền trung cần phải cải thiện hệ thống giao thông vận tải bởi hiện nay hệ thống này chưa thực sự đồng bộ...
Giám đốc WB tại Việt Nam Victoria Kwakwa và Giám đốc ADB tại Việt Nam Tomoyuki Kimura cho biết, trong thời gian tới, WB, ADB tiếp tục cam kết hỗ trợ cho các tỉnh Bắc Trung Bộ để phát triển mạnh mẽ hơn nữa các vùng kinh tế trọng điểm, đương đầu với những thách thức do tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế, nâng cao mức sống của người dân...
Hiện tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ đang kêu gọi đầu tư vào 342 dự án thuộc các lĩnh vực. Quảng Bình kêu gọi đầu tư 27 dự án trong đó có 3 dự án xây dựng phát triển Khu dân cư với tổng diện tích hơn 110 ha, 6 dự án đầu tư thương mại và du lịch.
Thanh Hóa 27 có dự án gồm 7 dự án đầu tư vào khu kinh tế Nghi Sơn với vốn đầu tư gần 7,6 tỷ USD và 20 dự án đầu tư trên toàn tỉnh, ngoài khu kinh tế Nghi Sơn với vốn đầu tư kêu gọi gần 6,7 tỷ USD.
Nghệ An mời gọi 77 dự án với tổng vốn hơn 97.000 tỷ đồng trong đó 12 dự án thương mại dịch vụ có tổng vốn hơn 50.000 tỷ đồng, gần 28.000 tỷ đồng đầu tư vào cơ sở hạ tầng… Thừa Thiên Huế mời gọi 62 dự án; Quảng Trị 58 dự án; Hà Tĩnh 91 dự án.
Tính đến nay toàn khu vực Bắc Trung Bộ có 243 dự án FDI nhưng số vốn lên tới 19,9 tỷ USD, bằng 10% tổng số vốn của hơn 13.000 dự án FDI trong cả nước.
Mặc dù còn “khiêm tốn” trong việc thu hút các dự án đầu tư, song đây là khu vực có nhiều cái “nhất”: 5 khu kinh tế ven biển, 3 khu kinh tế cửa khẩu, nhiều sân bay, bến cảng và các khu du lịch ven biển.
Tại khu vực này đã nổi lên những mũi nhọn công nghiệp với những dự án và những khu công nghiệp lớn: Hà Tĩnh có Khu công nghiệp thép Vũng Áng, Thanh Hóa có Khu công nghiệp lọc dầu, điện, xi măng; Nghệ An – Trung tâm của khu vực có lợi thế về sân bay, cảng biển, trung tâm thương mại, giáo dục và y tế; Thừa Thiên - Huế có những địa danh văn hóa du lịch nổi tiếng; Quảng Bình, Quảng Trị vẫn còn nhiều khó khăn nhưng nhiều tiềm năng du lịch và nằm trong hành lang kinh tế Đông – Tây.
Theo Minh Huệ - VGP News
Các tin mới hơn:
Các tin đã đưa: